Khuyến khích hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ: Hiệu quả từ một chính sách

Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh 'Về một số cơ chế tài chính khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020' (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017) đã tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường.

Sở KH&CN trao kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2016/NQ-HĐND cho các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tháng 8/2019 . Ảnh: Thu Hương (Sở KH&CN)

Theo Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/sáng chế, giống cây mới khi cấp bằng bảo hộ; 30 triệu đồng/giải pháp hữu ích; 10 triệu đồng/kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ. Nghị quyết cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chứng nhận, chỉ dẫn địa lý sản phẩm gắn với địa danh của tỉnh. Đồng thời hỗ trợ quá trình xây dựng, áp dụng những công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến như: GMP, ISO 22000, ISO 14001, HACCP; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; hoạt động tham dự chợ công nghệ và thiết bị, hội chợ thương hiệu.

Ngay khi Nghị quyết được ban hành, Sở KH&CN đã thông báo, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nằm trong diện thụ hưởng nắm bắt các nội dung, trình tự, thủ tục hồ sơ hỗ trợ. Trên cơ sở đó, hằng năm, Sở tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trao kinh phí hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, chứng nhận hợp quy cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện.

Cơ sở chế biến đặc sản, hải sản, thủy sản Vân Đồn, một trong 22 đơn vị vừa nhận kinh phí hỗ trợ 80 triệu đồng (theo Nghị quyết số 43/2016/QN-HĐND, đợt 2/2019) cho việc áp dụng công cụ quản lý môi trường ISO 22000 và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 14001 trong sản xuất, kinh doanh nước mắm. Bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Cơ sở, cho biết: Việc hỗ trợ này đã tạo thêm động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động KH&CN vào chế biến, nâng giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Qua đó, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Các sản phẩm nước mắm của Cơ sở chế biến đặc sản, hải sản, thủy sản Vân Đồn được áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 14001.

Ngày 20/8 vừa qua, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu cũng được nhận kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng cho 5 sản phẩm đã công bố tiêu chuẩn cơ sở. Mỗi sản phẩm được hỗ trợ 10 triệu đồng là không nhiều, nhưng có ý nghĩa lớn, khuyến khích Công ty cũng như các cơ sở kinh doanh khác trong tỉnh quan tâm hơn đến việc khẳng định chất lượng sản phẩm đối với thị trường, người tiêu dùng.

Theo Sở KH&CN, đến nay Sở đã bố trí trên 2,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (theo Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND). Qua đó đã khuyến khích các cá nhân, tổ chức phát triển thêm nhiều nhãn hiệu sản phẩm gắn với địa danh, loại hình dịch vụ có thế mạnh của tỉnh. Những sản phẩm sau khi được chứng nhận thương hiệu đều có mức tiêu thụ và giá bán tăng, được thị trường đón nhận tích cực, như: Vải chín sớm Phương Nam, giá bán 30.000-32.000 đồng/kg, tăng 400% so với năm 2012; rau an toàn Quảng Yên, doanh thu tăng 50%; chả mực Hạ Long doanh thu tăng 40-60%... Qua đó góp phần kích thích doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng sản xuất.

Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và thẩm định, đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND phát huy hiệu quả.

Yến Vy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/201909/khuyen-khich-ho-tro-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-hieu-qua-tu-mot-chinh-sach-2453910/