Khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa

PTĐT - Trong những năm qua, huyện Thanh Ba đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất, tạo dựng thương hiệu nông sản của địa phương, tăng thu nhập cho người nông dân.

Được hỗ trợ dịch vụ bảo vệ thực vật các hộ dân trồng rau an toàn tại xã Đỗ Xuyên sử dụng thuốc an toàn sinh học trên cây trồng để cung ứng cho thị trường.

Xác định phát triển sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Hỗ trợ giống lúa chất lượng cao; chè xanh chất lượng cao; bưởi hàng hóa và phát triển sản xuất một số cây trồng chủ lực; dịch vụ bảo vệ thực vật, …Những chủ trương, chính sách hỗ trợ này là đòn bẩy thúc đẩy phát triển nông nghiệp; khuyến khích các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, đầu tư cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Huyện tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn cơ cấu lại sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của từng địa phương, huyện khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau đậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đưa các giống mới, chất lượng cao vào gieo trồng trên 2.500ha, trong đó, 1.600 ha có quy mô liền vùng từ 10ha trở lên, chủ yếu trông lúa chất lượng cao JO2… Trong năm 2018 và 2019 đã có gần 677ha được hỗ trợ giống lúa chất lượng cao như: JO2, Thiên ưu với tổng kinh phí gần 609 triệu đồng vào xã: Thanh Hà, Hoàng Cương, Vũ Yển, đồng thời khuyến khích trồng và phát triển các giống chè chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu Chè xanh búp tím Thanh Ba. Vì vậy, năng suất, sản lượng của hầu hết cây trồng, vật nuôi đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; giá trị bình quân đạt 98,2triệu đồng/1ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản… Cùng với trồng trọt, huyện khuyến khích người dân chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô trang trại, gia trại; nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh, kiểm soát nguồn nước, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã... Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Hạ tầng nông nghiệp được quan tâm; trong đó một số công trình trọng điểm đã được đẩy nhanh tiến độ thi công như công trình xử lý khẩn cấp sạt lở đê Đỗ Xuyên, xây dựng kè Mạn Lạn, cầu Phương Lĩnh và hoàn thành đưa vào sử dụng 5 dự án gói thầu khác… Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp có những chuyển biến tích cực.Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của huyện chưa bền vững, xu hướng bỏ ruộng không canh tác ở vụ mùa xảy ra; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, phối hợp. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân chưa đồng đều, nên hiệu quả sản xuất chưa cao; các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn. Mặc dù các loại hình sản xuất của huyện phát triển nhanh nhưng vẫn chưa có hạt nhân điển hình đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy sản xuất. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn còn thiếu đồng bộ… Nguyên nhân do dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; đất đai manh mún; nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, trong khi đó việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao; công tác quản lý Nhà nước về kiểm tra, đôn đốc đôi khi chưa kịp thời…Trước thực trạng như vậy, huyện Thanh Ba tiếp tục tập trung vào hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của huyện như: Thâm canh, trồng mới cây chè xanh, cây bưởi; phát triển cây gai xanh lấy sợi gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm; sẽ tập trung phát triển, sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cơ giới hóa, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời tập trung phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo kế hoạch năm 2020, huyện hỗ trợ thâm canh, nâng cao chất lượng 330ha diện tích trồng chè, bưởi, lúa chất lượng cao, cây gai xanh, rau an toàn và 24 máy chế biến chè với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách của huyện và lồng ghép các chương trình khác…

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202004/khuyen-khich-phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-hang-hoa-170422