Khuyến khích sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn

Thời gian qua, người tiêu dùng và nhà sản xuất nông sản sạch, an toàn có uy tín chưa gặp được nhau. Hệ quả là người có nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch và an toàn chưa được đáp ứng nhu cầu, trong khi nhà sản xuất nông sản sạch và an toàn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Vì vậy, để giải quyết vướng mắc này, cần có sự hỗ trợ của ngành chức năng kết nối giữa cung- cầu nông sản sạch và an toàn…

Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ đã sản xuất và cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm lúa gạo chất lượng, đảm bảo an toàn.

Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ đã sản xuất và cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm lúa gạo chất lượng, đảm bảo an toàn.

Sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng cao

Đến nay, thành phố đã xây dựng và phát triển 115 cánh đồng lớn (CĐL), tổng diện tích 29.490ha với 21.238 hộ dân tham gia. Nông dân tham gia CĐL thực hiện cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, theo hướng an toàn, bền vững, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, xóa khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các nông hộ. Đồng thời, nông dân cũng thuận lợi liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Cần Thơ cũng phát triển vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 229ha tại các quận, huyện, trong đó có 10,5ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao: trồng rau trong nhà lưới, rau thủy canh… để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm với diện tích khoảng 9,38ha. Hình thành vùng chuyên canh trồng cây ăn trái tập trung, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đơn cử, như vùng trồng dâu tập trung với tổng diện tích 444ha tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền; nhãn 689ha tại các phường Thường Thạnh, Phú Thứ, quận Cái Răng và Tân Lộc, quận Thốt Nốt; vú sữa 685ha tại Giai Xuân, Trường Long, huyện Phong Điền và phường Thới An Đông quận Bình Thủy; xoài 2.386ha tại Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ và các phường Tân Phú, Phú Thứ, quận Cái Răng… Hiện có 146,4ha cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 227ha được lắp đặt hệ thống tưới phun tự động.

Thành phố cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản áp dụng các quy trình tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn liên kết theo chuỗi. Trên địa bàn thành phố hiện có 108 trang trại nuôi gia súc với tổng đàn 122.065 con và 27 trang trại nuôi gia cầm, với tổng đàn 97.600 con. Tổng diện tích nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn “sạch” và an toàn như: VietGAP, BAP+ASC, BMP+ASC… đạt hơn 288ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, đã xây dựng được 41 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, với 239 sản phẩm. 100% các sản phẩm trong chuỗi đều ký kết được các hợp đồng phân phối với các đại lý, cửa hàng và hệ thống siêu thị để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhìn chung sản phẩm tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cũng như sản phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng còn gặp nhiều bất cập: sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở ở xa, thông tin giao dịch chậm, không thuận tiện cho việc giao nhận hàng hóa, nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng yếu tố thời vụ, thời tiết… Đáng chú ý, là tình trạng sản phẩm an toàn chưa được phổ biến và tiêu thụ rộng rãi. Người dân không thể tiếp cận được với các cơ sở sản xuất an toàn, trong khi cơ sở sản xuất lại gặp khó trong tiếp cận thị trường.

Tăng cường kết nối cung - cầu

Ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng, tới đây thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Riêng đối với Chi cục, đơn vị cũng bố trí nhân sự để có bộ phận chuyên làm trung gian kết nối giữa các cơ sở sản xuất với các nhà phân phối và tiêu thụ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tại thành phố đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Trong những năm qua, TP Cần Thơ đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, đào tạo lao động lành nghề, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã tại thành phố bằng nhiều biện pháp đã nâng cao chất lượng, phát triển sản xuất theo hướng an toàn, thực hiện cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm… nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Cần Thơ cũng như nhiều địa phương khác vẫn còn hạn chế về khâu quảng bá sản phẩm, còn thiếu đối tác lớn để làm đầu mối tiêu thụ hàng hóa nông lâm thủy sản trên địa bàn.

Bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên, ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Không chỉ có nông dân mà ngay cả các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong quảng bá và đưa sản phẩm tiếp cận các kênh phân phối. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để sản phẩm của mình được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”. Theo bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cần Thơ, để đưa được các sản phẩm nông thủy sản vào siêu thị, nông dân đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn an toàn, đồng thời ngành chức năng cần tạo điều kiện tập trung hàng về một đầu mối, thuận lợi để phân phối cho các siêu thị và đơn vị kinh doanh.

Để thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ xác định tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, HACCP…) gắn với ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, tập trung xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo và phát triển thị trường. Tăng cường kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, triển khai nhiều chương trình hợp tác, các hội nghị, hội chợ kết nối giao thương, tạo điều kiện để quảng quá các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của TP Cần Thơ, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/khuyen-khich-san-xuat-tieu-thu-nong-san-an-toan-a116006.html