Kì quái gameshow 'hôn trước yêu sau': Nhiều nguy cơ hơn giá trị

Những gameshow phản cảm theo kiểu 'hôn trước yêu sau' như 'Date & Kiss' mang lại nhiều nguy cơ hơn là giá trị. Nó mang tinh thần trái ngược hẳn thời 'ông bà anh' - 'Bình dị lắm con ơi, chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời'.

Thời của những gameshow kì quái

Chương trình quái dị ""Date & Kiss"" vừa phát sóng chỉ quanh đi quẩn lại màn đụng chạm thể xác để lắng nghe trái tim rung động. Người xem càng giật mình hơn với những câu nói gợi tình chẳng chút kiêng dè.

Người nữ táo bạo: “Em thích những người đàn ông đặc biệt có kinh nghiệm trong chuyện ấy”, người nam chẳng vừa: “Mong muốn cô gái có vóc dáng sexy, bộ ngực đầy đặn và săn chắc”. Màn hẹn hò sáo rỗng với phát ngôn “thích đụng chạm cơ thể để hiểu hơn về tính cách”.

Ở "Date & Kiss", những giây phút ngượng ngùng chỉ là nghi thức lấy lệ, rồi họ lao vào hôn nhau khi hẹn hò trong phòng tối. Những giây phút cuồng nhiệt, táo bạo phát ra hàng tá âm thanh sinh động đến nổi da gà. Những màn này khiến "Date & Kiss"nhận về vô số cái tên thay thế như: Show “nụ hôn ừng ực”, “nụ hôn ướt át”.

Chương trình "Dare Pong" phát sóng hồi tháng 7.2018 từng gây bức xúc vì quá phản cảm.

Không phải chỉ đến "Date & Kiss", chương trình "Dare Pong" phát sóng Youtube từ tháng 7.2018 cũng đầy rẫy hành động tình tứ quá mức trưng ra trước mặt bàn dân thiên hạ. Sau khi uống rượu, người chơi nữ “để đối phương lột đồ bằng răng, chỉ trừ lại đồ lót” ngay trên sóng, liếm kem trên cơ thể bạn chơi, diễn tả những tư thế “yêu” thích nhất.

Những chương trình hẹn hò lố lăng đúng kiểu “hôn trước, yêu sau" thực sự gây sốc, tưởng dạy yêu nhưng là dạy hư cả một thế hệ. Còn đâu hẹn hò thời "ông bà anh" chỉ “Bình dị lắm con ơi. Chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời" (lời bài hát "Ông bà anh").

Nhiều nguy cơ hơn giá trị

Với các tình tiết câu khách, giải trí quá đà, những chương trình này đạt lượt xem khủng, ví dụ như "Dare Pong" đạt hơn 30 triệu views. Vì thế, mức độ tác động xã hội là không nhỏ.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, nhà sản xuất các chương trình dạng này có thiên hướng ám chỉ về mặt tình dục nhiều hơn tình cảm.

Ông Nam bày tỏ quan điểm, nhà sản xuất thuần túy dựa trên toan tính kinh doanh, nhưng không thể bê y nguyên văn hóa Tây phương vào môi trường Á đông, nhất là Việt Nam - bởi văn hóa nước ta chưa hình thành được nguyên tắc ứng xử tự giác cho giới trẻ.

"Những chương trình như "Date & Kiss" có thể sẽ biện bạch nhân danh “giáo dục giới tính”, “hội nhập lối sống hiện đại”, nhưng giáo dục về mặt giới tính chỉ đạt được khi phù hợp với sự sẵn sàng về mặt tâm lý, bối cảnh văn hóa.

Với một bộ phận giới trẻ đang chập chững vào đời, chưa có nhận thức về tình yêu, tình dục một cách chững chạc, thì việc để các em tiếp cận những chương trình giải trí đi theo hướng tình dục quá cởi mở sẽ làm sai lệch quan điểm. “Dạy yêu” thế này là dạy hư, nhiều nguy cơ hơn là giá trị" - ông Nam nhận định.

Chuyên gia Thành Nam cũng chia sẻ quan điểm cá nhân về các chương trình này: “Bản thân tôi không thể chấp nhận được những trò chơi gợi tình, hẹn hò thái quá, dẫn đến quan hệ tình dục trước khi có cả tình yêu.

Sự đánh đổi giữa yếu tố "giải trí" và yếu tố "giáo dục" cực kỳ không đáng, rất mất cân bằng”.

Thảo Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ki-quai-gameshow-hon-truoc-yeu-sau-nhieu-nguy-co-hon-gia-tri-627716.ldo