Kì thi THPT Quốc gia 2019: Sẽ giám sát chặt chẽ

Sau kỳ thi THPT quốc gia 2018, một số tiêu cực, sai phạm đã xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, suy giảm niềm tin của xã hội với kỳ thi quan trọng này. Để chấn chỉnh, thời gian tới, ngoài công tác giám sát chặt chẽ theo Bộ GD&ÐT, sẽ tiến hành trao quyền quyết định cho các trường. Nói cách khác, kết quả đánh giá sau kỳ thi sẽ chỉ chú trọng ở mức độ học vấn phổ thông, còn việc có hay không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT là việc của các trường đại học, cao đẳng.

Tập trung rà soát, đánh giá nghiêm túc

Theo Bộ GD&ĐT, về công tác tuyển sinh năm 2019, cơ bản giữ ổn định như năm 2018, trong đó, tăng cường tập huấn kỹ thuật nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyển sinh; tiếp tục phối hợp với các tỉnh xác định nhu cầu sử dụng giáo viên, khảo sát việc làm của sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp để làm căn cứ giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm theo nhu cầu sử dụng.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Trước mắt, để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT tập trung rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để rút kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo tổ chức thi trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Đồng thời rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi; sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với các đối tượng tham gia kỳ thi.

Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia; khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó, đảm bảo đề thi phù hợp hơn với tính chất của kỳ thi THPT quốc gia và thời gian làm bài của thí sinh. Đặc biệt, tăng cường công tác phối hợp, nhất là vai trò giám sát của các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức thi và thực hiện nguyên tắc các trường đại học, cao đẳng không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương nơi trường đặt trụ sở.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện phân hệ quản lý phách độc lập trong phần mềm quản lý thi để tăng cường tính bảo mật trong chấm thi tự luận; hoàn thiện phần mềm chấm trắc nghiệm để vừa đảm bảo chấm thi thuận lợi, vừa ngăn ngừa nguy cơ gian lận và hỗ trợ phát hiện sai phạm trong chấm thi.

Đồng thời cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả thi. Theo đó, sẽ tổ chức chấm theo cụm hoặc chấm chéo bài thi giữa các tỉnh, bảo đảm nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình.

Còn nhiều băn khoăn

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT) cho biết: Các địa phương đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị có trách nhiệm cao để tổ chức kỳ thi một cách tốt nhất có thể. Công tác phối hợp nhìn chung thuận lợi, hiệu quả hơn các năm trước đây. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cơ bản đáp ứng được mục tiêu đổi mới thi và tuyển sinh.

Những kết quả đạt được của kỳ thi là quan trọng, cần được ghi nhận. Tuy nhiên, tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương là cá biệt nhưng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương. Do đó, để kỳ thi được an toàn hơn, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh.

Tại phiên giải trình việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong cuộc họp do Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức vừa qua, Bộ trưởng GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “hai trong một” mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông.

Theo đó, từ năm 2019, đề thi sẽ được điều chỉnh theo hướng bám sát nhiệm vụ đánh giá mức độ học vấn phổ thông thay vì đảm trách cùng lúc 2 mục tiêu như những năm trước. Còn các trường đại học, cao đẳng sử dụng hay không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT là việc của trường.

Nói về phương án tuyển sinh năm tới, nhiều trường đại học cũng cho biết, hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có văn bản chính thức nào về phương án tuyển sinh năm 2019. Do đó các trường chưa có cơ sở để bàn bạc cho phương án tuyển sinh.

Theo PGS. TS Trần Văn Tớp (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), từ năm 2015 đến nay, kết quả của kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Hầu hết các trường đều sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Đến giờ, Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn chưa có bất cứ phương án nào vì chưa biết rõ cách thức cũng như định hướng đề thi.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù Bộ GD&ĐT sẽ thiết kế lại đề thi, chấn chỉnh lại mục đích kỳ thi song kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 không có đổi mới đột phá. Bởi nếu kết quả thi không đủ độ tin cậy, các trường đại học sẽ ồ ạt tổ chức kỳ thi riêng. Khi đó, các em học sinh sẽ bị cuốn vào nhiều kỳ thi khác ngay sau thi tốt nghiệp, sẽ rất tốn kém và làm khổ thí sinh.

P.T

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ki-thi-thpt-quoc-gia-2019-se-giam-sat-chat-che-82086.html