Kịch bản Brexit và hiệu ứng domino trong EU

Báo chí Pháp nhận định nếu kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là nguy cơ Brexit, xảy ra, điều đó có thể gây ra một hiệu ứng domino mở màn cho tiến trình tan rã EU.

Ngày 23/2, Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka đã nhấn mạnh rằng nếu Anh rời khỏi EU, Séc sẽ tổ chức thảo luận về vấn đề nước này ra khỏi EU sau đó vài năm và các tác động của kịch bản Brexit là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và an ninh. Không chỉ ở Séc, dư luận báo chí Pháp cũng lo ngại về một hiệu ứng domino nếu Anh rời EU sau khi trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới. Trước đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng đã cảnh báo nguy cơ tan rã EU nếu kịch bản Brexit xảy ra.

Rất có thể kịch bản Brexit sẽ tạo ra hiệu ứng domino làm EU tan rã. Trong ảnh: Thủ tướng Anh David Cameron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Có thể nói tinh thần người dân tại EU nói chung và tại Séc nói riêng rất bi quan trước viễn cảnh nhất thể hóa châu Âu. Nếu tổ chức trưng cầu dân ý tại thời điểm này, 62% người Séc sẽ bỏ phiếu chống lại việc gia nhập EU. Mặc dù được hưởng lợi từ vốn cấu trúc châu Âu và những lợi ích khi gia nhập EU, nhưng Cộng hòa Séc vẫn tỏ ra ngờ vực đối với tổ chức này. Theo một cuộc thăm dò do Viện STEM tại Prague (Séc) tiến hành hồi cuối tháng 10/2015, ba trong số năm người Séc không hài lòng với việc nước này trở thành thành viên EU. Các cuộc tranh luận tại EU về việc đề nghị các nước Đông Âu (cũ) chấp nhận hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư chỉ làm tăng mối ngờ vực của Séc đối với EU.

Thái độ ngờ vực đối với EU đã bắt đầu xuất hiện từ thời cựu Tổng thống Séc Vaclav Klaus (2003 - 2013). Sự xa rời EU tại Séc hiện nay càng tăng thêm do những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng người nhập cư. Tổng thống Séc Milos Zeman cũng kêu gọi cần có biện pháp mạnh ngăn làn sóng người nhập cư đặt chân đến châu Âu. Ông Milos Zeman thậm chí còn tham gia một cuộc biểu tình chống nhập cư diễn ra hồi năm 2015 do phong trào bài ngoại tổ chức với khẩu hiệu "Phong tỏa chống lại Hồi giáo".

Vấn đề đặt ra là nếu Séc ra khỏi EU, liệu nước này có bị cuốn vào vòng ảnh hưởng của Nga hay không. Theo Thủ tướng Bohuslav Sobotka, khả năng này rất khó xảy ra. Dư luận cho rằng những năm tháng khó khăn trước đây và thời gian Séc gia nhập EU đã làm thay đổi nhận thức của dân chúng nước này cũng như hệ thống luật pháp của Séc đã vận hành theo nền dân chủ tiến bộ. Vì vậy, dù Séc có ra khỏi EU thì vẫn khó có khả năng nước này quay trở lại vòng ảnh hưởng của Nga.

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi mà vấn đề Ukraine vẫn diễn biến phức tạp và dường như châu Âu đang dần rơi trở lại trạng thái chiến tranh lạnh giữa Tây Âu và Nga thì không ai biết liệu một nước Cộng hòa Séc nhỏ bé có vững vàng đứng ở vị trí trung lập hay không.

Liên quan đến một số ứng cử viên xin gia nhập EU dự kiến vào năm 2019 (gồm Serbia, Montenegro, Bosnia và Herzegovina, Albania, Thổ Nhĩ Kỳ và Macedonia), Serbia đã thể hiện sự thất vọng đối với EU, nhất là trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Thủ tướng Serbia Alexander Vucic đã nói rằng việc gia nhập EU không còn là "giấc mơ" đối với các nước khu vực Balkan.

Trong một diễn biến khác, nhà lãnh đạo Hungary một lần nữa nhắc lại việc nước này phản đối quy định về hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư của EU, thậm chí phản đối các chính sách về nhập cư của liên minh này. Quan điểm của Hungary cũng là quan điểm chung của nhiều nước Trung và Đông Âu khác. Chính Vương quốc Bỉ (nơi đóng trụ sở của EU) cũng vừa đưa ra quyết định tái kiểm soát biên giới tạm thời với Pháp để ngăn người nhập cư bất hợp pháp.

Hiện nay tại Anh, có đến khoảng một nửa dân số muốn Anh ra khỏi EU. Tại nhiều nơi khác trong EU, nhiều người đã không còn thấy sức mạnh kỳ diệu của EU nữa. Như vậy, rất có thể kịch bản Brexit sẽ tạo ra hiệu ứng domino làm EU tan rã.

Việt Sơn (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/kich-ban-brexit-va-hieu-ung-domino-trong-eu-20160301203655332.htm