Kịch bản nào cho cuộc 'ly hôn' giữa Anh và EU

Tờ Le Soir của Bỉ có bài viết về 3 trường hợp có thể xảy ra: một thỏa thuận tốt đẹp giữa hai bên, một Brexit 'cứng' với ít sự hợp tác nhất và cuối cùng là tình trạng không có thỏa thuận.

Một người biểu tình vẫy cờ Anh và EU bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt gần đây đã lên tiếng cảnh báo về khả năng một Brexit không có thỏa thuận nào đạt được. Đồng bảng Anh tuần trước đã sụt giảm do USD mạnh lên cũng như những lo ngại xung quanh tình hình đàm phán giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU) về một thỏa thuận thương mại khi nước Anh rời khỏi khối này (còn gọi là Brexit).

Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất của 13 tháng trong phiên giao dịch ngày 14/8, sau khi số liệu chính thức cho thấy mức tăng tiền lương tại nước này thấp hơn dự báo, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 43 năm qua.

Bên cạnh đó, sự hồi phục của dồng USD càng tạo sức ép lên đồng bảng Anh, khiến đồng tiền này rơi xuống 1,2705 USD đổi 1 bảng - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2017. Nỗi lo sợ này đã tác động đến sức khỏe thị trường tài chính Anh khi đồng nội tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua so với đồng euro.

Các số liệu kinh tế công bố trong tuần qua cho thấy kinh tế Anh đang hồi phục với nhịp độ tăng trưởng nhanh hơn sau màn trình diễn kém cỏi hồi đầu năm. Mặc dù vậy, một số nhà chiến lược ngoại hối lạc quan rằng Anh và EU sẽ đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót 29/3/2019, cho dù con đường có thể không êm ả và đồng bảng có thể yếu đi hơn nữa trước khi dần mạnh lên.

Thủ tướng Theresa May tuy vẫn tự tin có thể ký kết một thỏa thuận với EU, nhưng Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và cũng là người ủng hộ mạnh mẽ Brexit, Liam Fox, cho rằng vẫn có khả năng không đạt được thỏa thuận. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney cũng nhấn mạnh khả năng “không thỏa thuận Brexit” là cao và đây là điều không hề mong muốn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận thì tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên còn lại sẽ giảm 1,5% đến năm 2030 đồng thời làm “bốc hơi” 4% GDP của Anh. Đây thực sự là cơn ác mộng đối với EU vốn chỉ vừa “bình phục” sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Tương tự như đối với vấn đề kinh tế, một Brexit dù "cứng" hay "mềm" cũng sẽ không thể tránh khỏi việc gây ra những hậu quả tiêu cực cho ngành cảnh sát và tư pháp. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề mang tính sống còn này trong các cuộc đàm phán, nhất là trong bối cảnh khủng bố hiện nay, Hội đồng châu Âu đã "bật đèn xanh" từ tháng 4/2017 cho một "mối quan hệ đối tác" với Anh trong lĩnh vực an ninh.

Daniel Ferrie, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) về các cuộc đàm phán xung quanh Brexit, nhắc lại một điều không thể bỏ qua là "nếu không có thỏa thuận toàn diện, sẽ không có sự hợp tác giữa Anh và EU"- một viễn cảnh có thể làm rúng động các cơ quan tình báo, hải quan, cảnh sát và cả các thẩm phán ở cả hai phía.

Trong cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố, các thông tin và tài liệu luôn được cập nhật và được đánh giá "quý như vàng". Khả năng tiếp cận các dữ liệu của hai bên trong tương lai là một vấn đề gây trở ngại cho các nhà đàm phán Brexit.

EC nhận định thông tin đóng vai trò quan trọng đối với nhiều nội dung của mối quan hệ tương lai, do đó cần phải có những quy định liên quan đến vấn đề dữ liệu. Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU - đánh giá thông tin chính là nội dung mang tính then chốt đối với nền tư pháp hiện đại. Hai bên phải định hình ra một cơ chế trao đổi dữ liệu hiệu quả giữa các lực lượng cảnh sát và thẩm phán giữa hai bờ eo biển Manche.

Tất cả các bên đều thống nhất về một nguyên tắc, đó là tiếp tục trao đổi thông tin về tội phạm và khủng bố đối với những phần tử bị tình nghi hoặc đã được xác nhận. Tuy nhiên, khi đi vào các nội dung chi tiết thì nhiều khó khăn đã nảy sinh.

Người Anh muốn truy cập vào hệ thống thông tin của Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), trong khi EU đề xuất một sự trao đổi dữ liệu hữu hiệu. Không phải là thành viên Hiệp ước Schengen - hiệp ước về đi lại tự do mà một số nước châu Âu ký kết, sắp tới cũng không còn là thành viên của Tòa công lý châu Âu, Anh không thể có quyền hợp pháp vào đọc các dữ liệu của cảnh sát và các cơ quan công tố châu Âu một cách dễ dàng được nữa.

Các thỏa thuận song phương đã tồn tại từ lâu giữa các nước châu Âu, và những người chịu trách nhiệm đàm phán sẽ có 6 tháng để điều chỉnh lại một cách thức dẫn độ ngoài khuôn khổ châu Âu. Làm thế nào để Anh rời EU mà không phí hoài những tiến bộ trong cuộc chiến chung chống khủng bố, rửa tiền và tài trợ các tổ chức tội phạm? Đây là một bài toán rất hóc búa.

Trong khuôn khổ cuộc đàm phán đang diễn ra, người Anh mong muốn một mối quan hệ đối tác mới, sâu sắc và đặc biệt là có thể duy trì được sự hợp tác dựa trên tinh thần xây dựng, phục vụ cho việc đảm bảo an ninh nội bộ - một mong muốn mà cả 27 nước EU đều ủng hộ. Khủng bố, tấn công trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức là những mối đe dọa chung đối với tất cả các nước châu Âu. Các vấn nạn này đòi hỏi một cách đáp trả thống nhất từ các nước châu Âu, bao gồm cả Anh.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kich-ban-nao-cho-cuoc-ly-hon-giua-anh-va-eu/94349.html