Kịch bản sân khấu và mối lo 'ăn đong'

Kinh phí eo hẹp, đội ngũ sáng tác ít là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng khan hiếm kịch bản hay, nhiều đoàn nghệ thuật hoạt động cầm chừng, sân khấu ít khi sáng đèn.

Ảnh minh họa

Nghệ sĩ chưa thể yên tâm sáng tác

Mới đây trại sáng tác kịch bản sân khấu lần thứ ba trong năm 2018 đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu khai mạc tại Đại Lải (Vĩnh Phúc) dành cho 15 tác giả, thể hiện sự cố gắng rất lớn của hội. Tuy nhiên, như chia sẻ của NSƯT Trần Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ VHTTDL), hiện nay cả nước có gần 40.000 văn nghệ sĩ, mỗi trại sáng tác tổ chức cho 15 người, nếu tính quay vòng, nhanh cũng phải 30 năm văn nghệ sĩ mới được tham gia trại sáng tác lần thứ hai (do cùng một Hội tổ chức).

Thực tế này cho thấy các nghệ sĩ, trong đó có tác giả kịch bản sân khấu, thiếu môi trường để có thể trao đổi ý tưởng, đóng góp ý kiến, sửa chữa, hoàn thiện tác phẩm, nâng tầm nội dung tư tưởng nghệ thuật cho từng kịch bản. Qua đó, học hỏi lẫn nhau về tư duy sáng tạo, trau dồi kỹ năng viết để cho ra đời những kịch bản hay, tạo ra những vở diễn có giá trị nghệ thuật cao.

Chưa kể, văn nghệ sĩ cũng phải lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Nhà văn bươn bả làm báo, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, có người làm công tác quản lý, kinh doanh... Bởi vậy, việc sáng tác nhiều khi không thể liền mạch.

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm được hoàn thành tại trại sáng tác nhưng sau đó bị “đắp chiếu”. Ở đó, một bất cập hiện nay là nhà sáng tác chỉ đóng vai trò “bà đỡ”, âm thầm đứng sau sự ra đời của mỗi tác phẩm. Hội văn học nghệ thuật chịu trách nhiệm đánh giá, nghiệm thu tác phẩm qua mỗi trại sáng tác. Còn việc dàn dựng và phổ biến tác phẩm lại do các đơn vị nghệ thuật, nhà xuất bản. Chính điều này dẫn đến chưa tạo được sự lan tỏa rộng lớn, hấp dẫn cho các trại sáng tác.

“Đội ngũ sáng tác kịch hát dân tộc hiện không còn nhiều, do đó vấn đề đặt ra là Hội Nghệ sĩ Sân khấu cần tiếp tục duy trì đào tạo đội ngũ sáng tác mảng này, mở rộng hơn nữa các hoạt động sáng tác nghệ thuật truyền thống, bổ sung đa dạng nhiều góc tiếp cận khác nhau cho các tác phẩm đề tài này, nhằm phục vụ nhân dân cả nước và kiều bào nước ngoài”, NSƯT Trần Mạnh Cường chia sẻ.

Thiếu kịch bản hay, hiện đại

Không chỉ khó khăn trong duy trì đội ngũ sáng tác mà chất lượng các kịch bản sân khấu cũng đang là nỗi trăn trở của nhiều nghệ sĩ. Trong phát biểu khai mạc trại sáng tác Đại Lải vừa qua, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ: “Hiện nay, các tác phẩm liên quan đến đời sống xã hội rất hiếm, đặc biệt là thiếu vắng các tác phẩm mang xu hướng hiện đại, đề cập đến các vấn đề mang tính trực diện xã hội…”.

Một ví dụ khác là Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2018 kết thúc hồi tháng 9 vừa qua được các chuyên gia sân khấu đánh giá là một kỳ liên hoan thiếu vắng vở mới. Phần lớn các đoàn vẫn mang đến những vở diễn kinh điển, đã cũ, đã quen thuộc với người xem.

Có rất ít vở mới được dựng để người yêu cải lương có thể được thưởng thức những câu chuyện đời sống mà họ tò mò, chờ đợi. Một vài vở gọi là mới thì chỉ lấy tích xưa nói chuyện nay, khá an toàn.

Mảng đề tài mang hơi thở đời sống hiện đại tuyệt nhiên không thấy hiển hiện trên sân khấu. Đây là một khoảng trống đáng lo ngại, bởi nghệ thuật muốn đến gần công chúng phải bắt đầu từ cuộc sống, nói câu chuyện của cuộc sống hiện tại, những điều đang diễn ra xung quanh ta mỗi ngày.

Nhìn rộng ra, không chỉ cải lương, mà ở tất cả các kịch chủng khác như chèo, tuồng, kịch hát, kịch nói… đều tình trạng tương tự. Các đơn vị nghệ thuật muốn dựng một vở mới, lo nhất là khâu kịch bản.

Các nhà viết kịch lớn tuổi thì ít viết hơn, và khi viết thường hay bám vào các đề tài cũ, không cập nhật đời sống. Còn tác giả trẻ vừa ít, vừa thiếu kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế.

Thu nhập từ kịch bản sân khấu so với kịch bản điện ảnh, ca nhạc kém cũng hơn rất nhiều, chỉ một số nhà viết kịch lâu năm mới đủ kiên trì với nghề. Còn các tác giả trẻ có tài đều bị hút về các lĩnh vực hấp dẫn hơn. Do vậy, lâu nay các nhà hát thường phải “so bó đũa chọn cột cờ”, dựng vở của người già thì không mới, còn dựng của người trẻ lại chưa tới tầm. Trong khi đó, công tác đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng những tác giả tài năng viết kịch bản sân khấu đang bỏ trống.

Muốn có được những kịch bản sân khấu hay về đề tài hiện đại, quan trọng nhất là phải đầu tư, nuôi dưỡng tài năng trẻ và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tài năng phát triển. Các cây bút tiềm năng cần có cơ hội tham gia vào các buổi giao lưu, lớp tập huấn ngắn và dài hạn; thậm chí gửi đi học nước ngoài để tiếp cận những vùng có nền văn học nghệ thuật phát triển, từ đó làm giàu vốn hiểu biết, kỹ năng xây dựng kịch bản hay. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm công tác dàn dựng và đầu tư, quảng bá tác phẩm. Trong bối cảnh các đơn vị hiện nay đang thiếu hụt tác giả, mỗi nhà hát cần tìm riêng cho mình một vài tác giả sân khấu có phong cách sáng tác phù hợp với quan điểm, hướng đi của mình để đặt hàng. Đồng thời, cần có sự đối xử bình đẳng với kịch bản, không phân biệt của quan chức, tác giả tên tuổi hay mới vào nghề, tiêu chí quan trọng nhất phải là kịch bản hay.
Còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng được một lực lượng tác giả viết kịch bản sân khấu có chiều sâu, chất lượng nhưng không thể không quan tâm để phát triển sân khấu trong hoàn cảnh mới, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong và ngoài nước.

Phương Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/kich-ban-san-khau-va-moi-lo-an-dong/351063.vgp