Kịch bản sân khấu về đề tài đương đại

Những vở diễn về đề tài đương đại từng được đón nhận như 'Lâu đài cát', 'Dư chấn', 'Đường đua trong bóng tối', 'Nắng quái chiều hôm'... đang ngày càng trở nên hiếm hoi trong kịch mục biểu diễn của các nhà hát trên địa bàn Thủ đô...

Nghịch lý thiếu - thừa

Hà An

Trong vài năm gần đây, sân khấu phía Bắc, đặc biệt là tại Hà Nội xuất hiện nhiều vở kịch được dàn dựng lại từ những vở diễn đã từng hút khách, gây được tiếng vang trong quá khứ. Hàng loạt nhà hát tên tuổi như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội đã chọn cách đưa vào kịch mục của mình những vở diễn kinh điển của thế giới và những vở diễn của các kịch tác gia nổi tiếng trong nước như Shakespeare, Moliere, Lưu Quang Vũ...

Với kịch hát truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, các vở diễn mới được xây dựng gần như chỉ loanh quanh với những đề tài lịch sử, dân gian, dã sử. Còn đề tài gần với cuộc sống đương đại như tình yêu giới trẻ, hôn nhân - gia đình, tệ nạn tham nhũng, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự thờ ơ vô cảm của con người... có vẻ vắng bóng.

Những vở diễn về đề tài đương đại từng được đón nhận như "Lâu đài cát", "Dư chấn", "Đường đua trong bóng tối", "Nắng quái chiều hôm"... đang ngày càng trở nên hiếm hoi trong kịch mục biểu diễn của các nhà hát trên địa bàn Thủ đô.

"Đường đua trong bóng tối" của Đoàn kịch CAND là vở diễn về đề tài chống tham nhũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.

"Đường đua trong bóng tối" của Đoàn kịch CAND là vở diễn về đề tài chống tham nhũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Qua tìm hiểu, nhiều nghệ sĩ sân khấu cho rằng, có hiện tượng này là bởi sân khấu vẫn đang trong cơn khủng hoảng sâu, chưa tìm ra lối đi, mặc dù một số nhà hát công lập trong vài năm qua đã có những nỗ lực đáng kể trong việc kết nối với khán giả, xã hội hóa sân khấu, tìm nguồn tài trợ, tìm cách đưa sân khấu đến gần hơn với học đường...

Vì số lượng các vở diễn được Nhà nước đặt hàng mỗi năm rất khiêm tốn, mỗi nhà hát chỉ 2-3 vở nên để an toàn, để đảm bảo sự thành công, thậm chí là thành tích, các nhà hát cứ nhắm vào những vở diễn kinh điển, những vở diễn của các tác giả có tên tuổi đã từng thành công trong quá khứ như một điều kiện để "đảm bảo".

Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, do sân khấu ngày nay khan hiếm kịch bản có chất lượng, có tính đột phá, phát hiện - nhất là những kịch bản có đề tài đương đại. Vì thế người ta cứ "lấy cũ nói mới” cho tiện, cho đỡ mất công đi kiếm tìm, chỉnh sửa, sàng lọc hay vất vả tìm cách khẳng định giá trị của một vở mới ra lò.

Cách làm này thực ra cũng là sự khôn ngoan của các nhà quản lý, nhà sản xuất. Tuy nhiên, có thể thấy ngay rằng nếu sân khấu không có những sáng tạo mới, những kịch bản mới mà cứ quanh quẩn với cái đã có, cái đã được khẳng định và những ánh hào quang trong quá khứ, thì sân khấu Việt sẽ tiếp tục lạc hậu và khán giả vẫn tiếp tục quay lưng là điều chẳng phải bàn cãi. Chỉ có điều, tìm đâu ra kịch bản mới, kịch bản hay, chiến lược đầu tư, bồi dưỡng, chính sách đặt hàng như thế nào để có được những tác phẩm có chất lượng thì vẫn là câu hỏi đang còn bỏ ngỏ.

Phải nói rằng, chính sách đầu tư cho sáng tác mới của các Hội Văn học nghệ thuật trong đó có đội ngũ viết kịch bản của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam hằng năm vẫn được "trên" rót xuống đều đặn: mỗi năm đều có hàng chục trại sáng tác kịch bản sân khấu của Trung ương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các ngành được tổ chức với quy mô hàng trăm lượt trại viên tham gia. Số tiền của Nhà nước, tức là tiền thuế của nhân dân mỗi năm được đổ vào lực lượng này cũng không phải là nhỏ: lên tới hàng tỉ đồng. Thế nhưng, thành quả thu được xem ra khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là rất kém hiệu quả, vẫn thừa kịch bản yếu và thiếu kịch bản hay, nhất là đối với những kịch bản về đề tài đương đại.

Và những kịch bản ấy sẽ chẳng có giá trị gì nếu chỉ để cất vào kho, không được đem ra dàn dựng. Việc "đãi cát mà không thấy vàng" đã khiến nhiều nhà hát lựa chọn việc dựng lại toàn những vở diễn cũ, khiến nền sân khấu đã khủng hoảng về khán giả còn thêm phần buồn tẻ, cũ kỹ, lạc hậu và rời xa công chúng.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền, Phó Ban Sáng tác, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: Các nhà hát đang đi tìm sự an toàn

- Thưa nhà biên kịch Lê Quý Hiền, là Phó Ban Sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đồng người sáng tác, anh quan tâm như thế nào đối với mảng đề tài sân khấu về đề tài cuộc sống đương đại?

+ Tôi cho rằng, riêng với kịch nói, đương nhiên phải đi thẳng vào những vấn đề nhân dân nghĩ, nhân dân mong muốn. Đội ngũ tác giả ngày nay có viết về đề tài đương đại chứ không phải thiếu. Nhưng ở ta, hình như càng quan chức to người ta càng thoáng trong cách đánh giá, nhìn nhận vấn đề và quan chức cấp dưới lại rất hay nói về "lập trường, quan điểm", sợ thế này, sợ thế kia.

Vì thế, đôi khi tác phẩm đi vào đời sống thực tế lại hay bị gạt đi, tạo tâm lý chán nản cho người viết, vì viết mà không được dựng thì coi như công cốc, viết làm gì. Nên giờ nhiều tác giả chọn cách viết an toàn, đi viết về vui vẻ là chính. Còn các nhà hát quay về với đề tài lịch sử, dã sử, né tránh hiện thực mà đáng lẽ ra phải "xông" hẳn vào những vấn đề đang gai góc, nhức nhối. Vì thế sân khấu mới trở nên buồn bã như thế. Và khi sân khấu không gắn với đời sống, không thiết thực thì khán giả quay lưng là phải thôi.

- Việc các nhà hát gần đây thường xuyên dựng lại những vở kịch cũ có phải đang phản ánh trực diện việc họ không tìm được những kịch bản hay để dàn dựng mà phải đi tìm hào quang trong quá khứ?

+ Thế thì lại đặt câu hỏi rằng tại sao cứ nghe tên Lưu Quang Vũ là người ta muốn đến xem vở diễn? Ấy là bởi vì sức hút của những vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn có sức sống, vẫn động chạm đến nhiều vấn đề đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Ở đây, khán giả vừa là khách hàng, vừa chính là người PR cho sân khấu.

Và để có một kịch bản hay không có nghĩa là các nhà hát ngồi rung đùi, "há miệng chờ sung", mà nó là kết quả của việc tích lũy những quan niệm, thậm chí là cả sự thất bại cũ. Không thể cứ ngồi đấy mà sợ những kịch bản "có vấn đề", động chạm đến tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền, nỗi sợ mơ hồ trong khi Đảng, Nhà nước chả cấm gì cả. Đấy chỉ thể hiện sự bế tắc của một khuynh hướng sáng tác mà thôi.

Tôi có 1 tác phẩm mang tên "Biển ở trong bờ" không đâu dựng cả vì đổ cho “nhạy cảm” khiến tôi cũng cảm thấy nuối tiếc. Chừng nào các nhà hát vẫn luôn đi tìm sự an toàn: an toàn về chính trị; an toàn toàn hiệu quả vở diễn, tức là không dựng của tác giả trẻ, không mời đạo diễn trẻ; an toàn về kinh tế, tức là tìm kiếm được kịch bản có nhà tài trợ; an toàn về thành tích, tức là dễ có giải thưởng, sân khấu vắng khách, khán giả quay lưng là tại chính những người làm sân khấu, đặc biệt là những nhà quản lý.

- Hằng năm, các trại sáng tác kịch bản sân khấu vẫn liên tục được tổ chức, thế nhưng tình trạng “thừa kịch bản yếu - thiếu kịch bản hay” vẫn tồn tại mà không có cách khắc phục. Anh có thể nói gì về câu chuyện này?

+ Theo tôi, đối với các trại sáng tác kịch bản sân khấu thì bất cập lớn nhất đó chính là chỉ ưu tiên các tác giả đã có nhiều tác phẩm, tức đã là hội viên thì đi trại sáng tác, hiếm khi có tác giả trẻ không phải hội viên không được đi. Thiếu sự đầu tư cho tác giả trẻ, thiếu sự quan tâm đúng mức đến lực lượng trẻ, tìm tòi, bồi dưỡng thế hệ trẻ là điều hết sức nguy hại cho một nền sáng tác. Tiền của dân lại biến thành quyền lợi cho những người có tác phẩm, tức là những người đã già.

Với tư cách là một tác giả và từng đi dạy biên kịch, tôi xin khẳng định lớp trẻ đầy năng lượng đã xuất hiện như Vũ Thu Phong, Trần Phương Hạnh, Hồng Vân... Nhưng họ trẻ, ít được xuất hiện trên sân khấu lắm. Sân khấu muốn khá hơn thì phải loại hết kịch bản kiểu "quan hệ", kiểu "quyền lực" đi, sau đó thì hãy nói chuyện kịch bản hay - dở.

- Xin cảm ơn nhà biên kịch Lê Quý Hiền!

Nhà biên kịch Vũ Xuân Cải: Bản thân các tác giả cần có sự thay đổi

Anh Anh (ghi)

Theo tôi, thực trạng khan hiếm những kịch bản mang hơi thở cuộc sống của ngày hôm nay đã có hàng chục năm nay. Kịch bản đương đại phải là những kịch bản được nhiều người quan tâm, phải đụng chạm, phải “cứa” vào những vấn đề bức xúc, nhức nhối trong xã hội về cả kinh tế, chính trị, đạo đức, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, những vấn đề về quyền và lực, tình yêu của giới trẻ, hôn nhân gia đình...

Có thể có những vấn đề tương đối nhạy cảm mà nhiều nhà hát lại lựa chọn việc dựng lại những tác phẩm cũ, tác phẩm lấy tư liệu từ lịch sử, dã sử để thổi vào đó nhịp sống ngày hôm nay thì cũng là tài năng, nhưng dẫu sao cũng thể hiện sự né tránh những vấn đề đương đại.

Có tác giả đã đi vào phản ánh trực diện những vấn đề đương đại nhưng chưa cắt nghĩa, lý giải được một cách đầy đủ nên chưa thuyết phục được nhà hát dựng vở của mình. Và cũng có chuyện một số nhà hát vì yếu tố an toàn mà không dám dàn dựng những vở quá gai góc mà cứ lấy những vở đã có của Shakespeare, Moliere, Lưu Quang Vũ... ra dàn dựng.

Sân khấu nếu chỉ có những tác phẩm cũ thì chắc chắn sẽ rất buồn và chỉ ngày càng cũ kỹ, lạc hậu hơn mà thôi. Còn một số tác giả có vở đương đại được các nhà hát đặt hàng quen rồi thì dường như vẫn bằng bằng, nhạt nhạt chứ chưa có sự đột phá và vẫn “thiếu thiếu” gì đó. Tôi đã tham gia nhiều trại sáng tác và đề tài đương đại luôn được các đơn vị tổ chức trại sáng tác ở Trung ương và địa phương quan tâm, khích lệ nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Tôi cho rằng một tác phẩm phải thể hiện được sự khát khao của người cầm bút. Vì thế, trên hết, các tác giả đương đại hôm nay phải có sự thay đổi cách nhìn, phải tiếp cận, cập nhật những biến thiên liên tục của cuộc sống, bên cạnh đó người cầm bút phải có sự chân thực, dũng cảm.

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam: Sân khấu Việt đang bị tụt hậu khá xa

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa NSƯT Triệu Trung Kiên, trong hơn chục năm làm đạo diễn, anh thường khai thác nguồn kịch bản để dàn dựng tác phẩm sân khấu bằng cách nào? Do nhà hát lựa chọn tác phẩm được gửi đến rồi giao cho đạo diễn, hay anh phải đi đặt hàng từ các nhà biên kịch?

+ Thực ra, với Nhà hát Cải lương Việt Nam, số lượng kịch bản sử dụng mỗi năm không nhiều, chỉ 2-3 vở, trong đó có 2 vở do Nhà nước đặt hàng và 1-2 vở được dựng từ nguồn xã hội hóa. Cách làm hiện tại của Nhà hát Cải lương Việt Nam là Giám đốc Nhà hát giao cho 2 đạo diễn chính là tôi và NSND Hoàng Quỳnh Mai tự tìm kịch bản thông qua nhiều nguồn: tự phát hiện những kịch bản tốt, đặt hàng tác giả và cũng có tác giả tự gửi đến tuy là không nhiều, thậm chí có khi bí quá thì chính mình cũng phải “tự túc” kiêm luôn biên kịch.

Do lượng kịch bản của nhà hát sử dụng không nhiều nên tôi thường “nhắm” trước kịch bản đến cả năm trời rồi. Trước đây, số tác giả chủ động gửi tác phẩm đến nhà hát cũng khá nhiều, nhưng do số lượng được sử dụng khá khiêm tốn nên họ cũng không gửi nhiều như trước nữa.

Nhà hát cũng để ý đến các cuộc thi, các trại sáng tác, thường thì cũng phải chủ động đi tìm kiếm ở các câu lạc bộ tác giả phía Bắc và phía Nam. Nhưng nhìn chung, các tác phẩm đoạt giải cao cũng không đến tay nhà hát. Bởi vì có nhiều nhà hát, các đơn vị, các đạo diễn gạo cội săn đón tác phẩm từ nguồn này mất rồi.

- Với loại hình sân khấu cải lương, thế mạnh vẫn là khai thác các kịch bản đề tài dân gian, dã sử, lịch sử... Anh có quan tâm hay mong muốn có những kịch bản hay về đề tài đương đại để dàn dựng tác phẩm không?

+ Theo tôi, cải lương có thể phát huy được hết tất cả các mảng đề tài: cổ điển, lịch sử, dã sử, huyền sử và cả hiện đại. Đúng là cũng lâu lâu tôi không dựng một vở hiện đại nào cho nhà hát, kể từ sau vở “Mê cung” năm 2012, do tôi vừa là tác giả vừa là đạo diễn. Từ đó đến nay, do yêu cầu của nhà hát và yêu cầu của các địa phương, đối tác thường mời nhà hát biểu diễn hay thích những đề tài về lịch sử, dân gian nên chúng tôi cũng phải hướng về các đề tài đó. Nhưng có thể sang năm, chúng tôi sẽ cố gắng để xây dựng một vở mới hiện đại và hiện tôi đang có trong tay một kịch bản mà tôi rất thích.

- Sân khấu kịch phía Bắc trong những năm gần đây đang nở rộ xu hướng dựng lại những vở kịch đã thành công từ vài chục năm trước, chứ không có những vở diễn mới gây được tiếng vang. Nhận định của cá nhân anh về hiện tượng này như thế nào?

+ Hiện tượng này đúng là do các nhà hát bị thiếu kịch bản, họ không tìm ra được những kịch bản mới hay để dàn dựng nên phải quay về dựng lại những kịch bản cũ. Thực ra, đó cũng là điều không vui cho sân khấu. Bởi vì với các tác giả cũ, kể cả những tên tuổi lớn đi chăng nữa, thì đó vẫn là những tác phẩm phản ánh những giai đoạn quá khứ. Tính thời sự không sát với thực tế hôm nay. Các đơn vị sẽ phải thực hiện việc biên tập và cập nhật tính thời sự cho tác phẩm.

Cũng có những tác phẩm mang tính dự báo sớm, có tầm nhìn đi trước thời đại và vẫn còn nóng hổi tính thời sự, nhưng số ấy không nhiều. Gần đây có một số vở, trong đó có “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của cố tác giả Lưu Quang Vũ được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng lại mà tôi cảm thấy rất thích thú, cuốn hút và khâm phục. Việc dàn dựng lại này là đáng khích lệ.

- Những năm gần đây, sân khấu dường như vẫn đang chìm sâu trong một cuộc khủng hoảng chưa tìm ra lối thoát. Một số nhà chuyên môn nói rằng, cơn khủng hoảng này dẫn tới việc sân khấu thiếu đi những kịch bản tốt, mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Ý kiến của anh về vấn đề này thế nào?

+ Theo tôi, ý kiến này cũng chỉ đúng một phần. Việc khán giả mong muốn tìm thấy bản thân mình trong các tác phẩm, hay tìm lời lý giải cho các mâu thuẫn của xã hội đương thời, hay giải tỏa những bức xúc nào đó của bản thân… chỉ là một trong các lý do họ tìm đến với sân khấu. Khán giả hôm nay đến với sân khấu chủ yếu là để giải trí, để thỏa sự hiếu kỳ, để thưởng thức những thể loại nghệ thuật họ yêu thích, để chiêm ngưỡng tài năng của những nghệ sỹ họ yêu mến…

Nhưng phải thừa nhận, sân khấu Việt Nam lúc này đang bị tụt hậu khá xa so với sân khấu thế giới. Theo tôi, đó mới là nguyên nhân chính làm cho sân khấu không đủ sức cạnh tranh với các loại hình giải trí khác. Xã hội ta đang hòa nhập một cách nhanh chóng với thế giới. Các loại hình nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc đã thể hiện sự hội nhập mạnh mẽ và tạo nên một thị trường nghệ thuật sôi động. Còn sân khấu Việt dường như vẫn loay hoay trong một ốc đảo nhỏ hẹp. Chính vì vậy mà sân khấu chưa thu hút được các tầng lớp khán giả hiện đại về mình.

- Những năm 80 của thế kỷ trước, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đã làm mưa làm gió sân khấu cả nước với những kịch bản đương đại gây chấn động, chạm vào những vấn đề nhức nhối của xã hội, thậm chí có nhiều vấn đề khi đó vẫn thuộc về “vùng cấm”. Ngày nay, xã hội đang chứa đựng rất nhiều vấn đề nhân sinh nhức nhối mà chưa thấy những vở diễn mới của sân khấu đề cập đến. Có khi nào anh thử cắt nghĩa xem vấn đề này là do đâu?

+ Đúng là xã hội ngày nay có quá nhiều vấn đề và có những vấn đề còn khốc liệt hơn thời của tác giả Lưu Quang Vũ. Có thể, các tác giả ngày hôm nay chưa mạnh dạn đi vào các “vùng cấm” đó. Cũng có một vài tác giả đã từng viết về đề tài đấu tranh chống tham nhũng và các tiêu cực xã hội, nhưng vẫn khéo léo triển khai trong vòng an toàn.

“Làn sóng” chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, đã tạo ra những cơn địa chấn trong xã hội Việt Nam. Nhưng nhìn chung các tác giả có vẻ vẫn còn e dè và chưa sẵn sàng. Tôi thì không tin rằng các tác giả không đủ tài năng, mà dường như chỉ là thiếu cảm hứng sáng tạo, thiếu sự dũng cảm để đương đầu với những vấn đề xã hội nhức nhối. Bên cạnh đó, sự thanh xuân, bầu nhiệt huyết trong sáng tác của các tác giả cũng không phải sẽ trường tồn theo thời gian. Xã hội hôm nay còn quá bộn bề, nhịp sống con người quá vội vàng, đạo đức xã hội suy đồi nghiêm trọng, nỗi chán chường về thế thái nhân tình... có thể cũng đã làm cho cảm hứng sáng tạo của các tác giả bị phôi pha chăng? Bất cứ điều gì cũng nằm trong quy luật của sự hợp lý và cân bằng nội tại. Tác giả Lưu Quang Vũ là một kỳ tài, ông đã để lại một di sản những tác phẩm đồ sộ, cũng bởi ông đã sống trong thời đại của ông. Nếu ông còn sống đến hôm nay, có thể các tác phẩm của ông sẽ mang một diện mạo khác chăng?

- Xin cảm ơn đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên.
PV

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/kich-ban-san-khau-ve-de-tai-duong-dai-506354/