“Kịch bản” sáp nhập SouthernBank - Sacombank: Được và Mất

Nếu điều này trở thành hiện thực thì giới đầu tư sẽ không khỏi băn khoăn: Sacombank được lợi gì khi nhận sáp nhập hay đây chỉ là một cuộc “giải cứu”?

* Vì lẽ gì đi thâu tóm một ngân hàng

Mặc dù thương vụ “thâu tóm” Sacombank - Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB ) - đã hoàn tất được một vài năm nhưng những sự việc liên quan và hậu thâu tóm có vẻ vẫn chưa dừng lại.

Trên thị trường liên tục xuất hiện những thảo luận về khả năng sáp nhập Eximbank - Ngân Hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu VN (HOSE: EIB ) hay SouthernBank - Ngân Hàng TMCP Phương Nam (OTC: PNB ) vào ngân hàng này, khi mà các lãnh đạo cao nhất đều có mối quan hệ mật thiết.

Trong khi lãnh đạo Sacombank chưa bao giờ phủ nhận hay khẳng định, thông tin nhận sáp nhập SouthernBank lại một lần nữa rộ lên trong thời gian gần đây. Và

Sacombank được lợi gì khi nhận sáp nhập SouthernBank?

Bất kỳ một thương vụ mua bán – sáp nhập nào cũng có động cơ (motives) phía sau để thực hiện. Chúng ta sẽ cùng đánh giá và qua đó mong hiểu được động cơ thực sự của “kịch bản” sáp nhập SouthernBank - Sacombank là gì?

Mạng lưới chi nhánh, uy tín thương hiệu, chất lượng quản trị, bí quyết kinh doanh, cơ sở khách hàng? SouthernBank được thành lập vào năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, đến nay, ngân hàng này có vốn điều lệ 4,000 tỷ đồng, tổng tài sản đến hết quý 3/2013 là gần 75,000 tỷ đồng. SouthernBank có mạng lưới hoạt động gồm 141 chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị trực thuộc trên toàn quốc.

Trong khi đó, Sacombank hiện có vốn điều lệ gấp 3 lần (hơn 12,400 tỷ đồng), tổng tài sản gấp gần 2.5 lần (hơn 160,000 tỷ đồng), và 420 điểm giao dịch ở 48/63 tỉnh thành cả nước và ở Lào, Campuchia.

Có lẽ mạng lưới giao dịch là lý do thường được đề cập nhất khi sáp nhập hai ngân hàng, vì khó đáp ứng các yêu cầu của NHNN để được mở điểm giao dịch mới. Tuy nhiên, với một ngân hàng bán lẻ đã có độ bao phủ rộng khắp như Sacombank và bối cảnh hoạt động ngân hàng khó khăn như hiện nay, thì đây có vẻ không phải là lý do chính.

Các yếu tố uy tín thương hiệu, chất lượng quản trị, bí quyết kinh doanh, cơ sở khách hàng cũng không phải là một điểm đáng giá để Sacombank mong muốn có được, khi mà tình hình tài chính của SouthernBank đã suy giảm trong nhiều năm qua (Chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn về điều này).

Tuân thủ yêu cầu giới hạn sở hữu tại ngân hàng? Theo Điều 55 của Luật các Tổ chức tín dụng, “Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng”.

Trong khi đó, theo Báo cáo quản trị năm 2013, gia đình của ông Trầm Bê đã nắm giữ đến 20.81% vốn của SouthernBank. Ngoài ra, hầu hết các thành viên của HĐQT, BKS và Ban Giám đốc đều có sở hữu cổ phần với tỷ lệ không quá 2%. Gia đình ông Trầm Bê cũng là nhóm cổ đông lớn tại Sacombank với tổng tỷ lệ lên đến 6.78%.

Một động tác sáp nhập sẽ giúp “dọn dẹp” mớ bòng bòng về hoạt động kinh doanh và cũng giúp dễ dàng pha loãng tỷ lệ nắm giữ theo luật định, nhưng vẫn giữ được quyền quản trị ngân hàng sau khi quy về một mối. Kịch bản tăng vốn trong bối cảnh tình hình tài chính yếu đi và uy tín của một ngân hàng như SouthernBank rõ ràng là khó khăn hơn rất nhiều.

Quy về một mối? Từ lâu, giới quan sát đã nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa các thành viên quản trị của hai ngân hàng này. Việc quy về một mối cũng có lẽ là điều dễ hiễu, và lại được tiếng thực hiện “tái cấu trúc” trong bối cảnh chung của ngành ngân hàng Việt Nam.

Những phân tích trên cho thấy, “kịch bản” sáp nhập SouthernBank – Sacombank nếu xảy ra thì rất khó có khả năng đem lại cộng hưởng (synergy) thực sự - điều mà phần lớn cổ đông nhỏ lẻ mong mỏi, và đại hội cổ đông sắp tới sẽ rất sôi nổi với nhiều vấn đề còn chưa rõ ràng cần tìm lời giải đáp từ những cổ đông lớn hay HĐQT.

Như Lan

công lý

Nguồn VietStock: http://vietstock.vn/2014/03/kich-ban-sap-nhap-southernbank-sacombank-duoc-va-mat-764-334773.htm