'Kích cầu là quan trọng nhưng trên hết phải an toàn'

Chúng ta không tìm mọi cách tăng lượng khách du lịch, trên hết bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách. Từ đó du lịch nội địa mới phát triển một cách bền vững. Còn nếu lơ là, thiếu cảnh giác thì bùng phát dịch là điều khó tránh khỏi thì ngành du lịch sẽ lại bị thiệt hại rất nặng nề.

Du khách phải đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi đến tham quan Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Du khách phải đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi đến tham quan Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Đó là chia sẻ của của ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký của Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia trước nguy cơ dịch bệnh trong mùa du lịch năm nay.

Tránh nơi quá tải, du lịch theo nhóm

Được coi là điểm đến an toàn với quy mô, diện tích lớn và nhiều trải nghiệm, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ đón khoảng 7.000-8.000 du khách/ngày.

Theo quan sát của phóng viên, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho du khách cũng như địa phương. Từ khâu đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang hay chuẩn bị khẩu trang dự phòng cho du khách được thực hiện ngay từ cổng ra vào. Các tổ, điểm tuyên truyền liên tục nhắc nhở về các biện pháp phòng, chống dịch cũng thường xuyên được triển khai hay công tác vệ sinh khử khuẩn môi trường…

Vì vậy, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng lượng khách đến làng vẫn bảo đảm và thu hút được du khách ổn định. Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại, nhất là trong dịp lễ sắp tới, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và sẵn sàng đón du khách tới tham quan, trải nghiệm trong điều kiện an toàn nhất.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, hiện nay vẫn còn một bộ phận du khách có tâm lý rất chủ quan khi đến chỗ tập trung đông người, vì vậy, các DN du lịch, điểm đến phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống COVID-19 như đo thân nhiệt; yêu cầu du khách đeo khẩu trang, thực hiện khai báo y tế…

Đặc biệt, chính quyền địa phương cần phải chuẩn bị các kịch bản sẵn để đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra sẽ xử lý được ngay. Đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên và có các biện pháp nghiêm túc để xử lý nếu có các vi phạm về phòng chống dịch. Tăng cường tuyên truyền nhắc nhở thông qua loa phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu… để du khách nhận thấy hiện nay chưa phải là thời điểm an toàn tuyệt đối để đi du lịch mà cần phải cảnh giác, chủ động nêu cao ý thức phòng chống dịch.

Thời gian qua, Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia đã đưa ra khuyến cáo cho du khách để tránh việc lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng bằng việc chủ động đặt các dịch vụ du lịch càng sớm càng tốt, qua đó du khách sẽ biết được nơi nào quá tải, nơi nào đang đông để tránh đi đến. Đồng thời cố gắng đi du lịch theo nhóm gia đình để hạn chế tiếp xúc với những người bên ngoài.

Các đơn vị lữ hành cần tuyên truyền và bảo đảm an toàn cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Chính quyền, hiệp hội đồng loạt vào cuộc

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết cơ quan này yêu cầu các các khu, điểm tham quan du lịch phải chủ động, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành điều phối các đoàn khách tham quan, hạn chế tập trung số lượng đông tại cùng một thời điểm. Đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của khách du lịch, nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh cần chủ động phối hợp với các cơ sở y tế địa phương thực hiện cách ly theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các đơn vị lữ hành, vận chuyển khách du lịch, các hướng dẫn viên du lịch tạm dừng tổ chức các chương trình tham quan, du lịch, du lịch đi – đến vùng dịch. Thông báo kịp thời các trường hợp khách có biểu hiện mắc bệnh dịch và hành trình di chuyển của các đoàn khách đi- đến từ vùng có dịch với cơ sở y tế địa phương hoặc cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định.

Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch cần nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế, khai báo lưu trú trực tuyến đối với khách theo quy định. Rà soát khách du lịch đang lưu trú tại cơ sở và cung cấp thông tin những người đi- đến từ vùng dịch có dịch cho y tế địa phương biết để có biện pháp giám sát theo quy định.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, là địa phương có nhiều điểm du lịch trải nghiệm, dù tỉnh Phú Thọ có thực hiện kích cầu du lịch nhưng sẽ rất thận trọng trong việc tổ chức các hoạt động du lịch để tránh lây lan ra ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, Phú Thọ đã có văn bản hướng dẫn cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn cùng với việc tổ chức sẵn sàng đón du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 (trong đó có 2 yếu tố chính là nâng cao chất lượng dịch vụ, không nâng giá thành và vẫn bảo đảm kích cầu du lịch nội địa).

Ông Lê Việt Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Sài Gòn Hòn Ngọc Tourist - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, tại Ninh Thuận tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 80% số phòng được đặt và trong những ngày tới con số này có nhiều khả năng sẽ tăng cao.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch Ninh Thuận sẽ kiểm tra tất cả các điểm lưu trú trên địa bàn để kiểm tra các khâu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: Khử khuẩn, vệ sinh, chuẩn bị khẩu trang dự phòng cho du khách, lập danh sách du khách đến từ những địa phương nào để điều tra khai báo y tế… Đồng thời có cả đội ngũ an ninh để theo sát và bảo đảm công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

Theo ông Lê Việt Thanh Tùng, mặc dù kích cầu du lịch nội địa là rất quan trọng nhưng việc bảo đảm sức khỏe, tính mạng của du khách phải được đặt lên trên hàng đầu. Chính vì vậy, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thì việc tăng cường kiểm tra và hậu kiểm cần được duy trì thường xuyên để du khách luôn có được sự an tâm, an toàn trong thời kỳ dịch bệnh.

Thiện Tâm

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/du-lich/kich-cau-la-quan-trong-nhung-tren-het-phai-an-toan/429435.vgp