Kích cầu tiêu thụ nông sản sạch

Kết nối cung-cầu hàng hóa; hợp tác thương mại với các tỉnh, thành phố; phiên chợ nông sản... là những hoạt động hiệu quả được TP Hồ Chí Minh tổ chức nhằm kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản giúp nông dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, phiên chợ nông sản năm nay diễn ra nhiều đợt, thu hút đông đảo doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh, thành phố tham gia, tạo thuận lợi đưa nông sản vùng, miền đến với người tiêu dùng.

Quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu thụ

Một trong những hoạt động nổi bật tại phiên chợ nông sản và các chương trình kích cầu, hợp tác thương mại là trưng bày hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của các hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại... Đây là điểm hội tụ và là không gian lý tưởng cho các DN, nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng gặp nhau. Với gần 100 gian hàng trưng bày tại phiên chợ nông sản, các DN, hợp tác xã và nông dân TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận có dịp quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp sạch, giá thành hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường. Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Nhiều năm gần đây, việc tiêu thụ nông sản đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn trồi sụt, ảnh hưởng đến tâm lý, thu nhập của nông dân. Cho nên, phiên chợ nông sản là cầu nối giúp nông dân quảng bá sản phẩm, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm tiêu biểu của mình đến DN, nhà phân phối và người tiêu dùng”.

Sản phẩm nông nghiệp tham gia Phiên chợ nông sản TP Hồ Chí Minh thu hút đông đảo khách hàng.

Tham quan gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp địa phương, khách hàng được bà Trần Thị Vân, đại diện bán hàng của Hợp tác xã Nông dược Thiên Lộc (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), cho biết: “Hợp tác xã hiện trồng và chế biến các loại nông sản sạch như: Bột rau, bột ngũ cốc, trà thảo dược, viên tỏi đen, dầu gội, tinh dầu... Hiện nay, Hợp tác xã có 5 sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”), được canh tác và chế biến đạt chuẩn, hướng tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số sản phẩm của Hợp tác xã vẫn chưa được nhiều người biết đến. Tham gia phiên chợ nông sản lần này, chúng tôi có cơ hội để chào hàng và tìm hiểu nhu cầu thực sự của người tiêu dùng với hy vọng mở rộng thị trường ở khu vực Đông Nam Bộ”. Đây cũng là mong đợi của ông Lê Văn Quyết, chủ Cơ sở Mây tre đan Tư Quyết (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh): “Là một thương hiệu lâu năm với đa dạng sản phẩm mây tre đan, tôi rất mong được kết nối với các DN để mở rộng thị trường sang nhiều địa phương khác. Trưng bày hàng hóa tại phiên chợ lần này là cơ hội tốt để chúng tôi tìm kiếm đối tác; giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận các thông tin, công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Tại phiên chợ nông sản năm nay, các loại hàng hóa trưng bày không chỉ là nông sản, đặc sản vùng, miền truyền thống, như: Măng, miến, nấm hương, rau xanh, các loại trái cây, hoa, bon sai, mây tre đan, rượu, mật ong rừng, sâm tươi..., mà còn kết nối sản phẩm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh, thành phố và các sản phẩm hướng đến thị trường xuất khẩu. Sự góp mặt của nhiều DN vừa và nhỏ, nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng tiện ích... giúp nhà nông có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm, thuận tiện tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm tham gia hệ thống bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để cùng phát triển thị trường, tiêu thụ nông sản.

Đẩy mạnh xây dựng chuỗi nông sản an toàn

Mục tiêu hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa được TP Hồ Chí Minh triển khai thông qua nhiều chương trình, hoạt động, như: Kết nối cung-cầu hàng hóa, hội chợ thương mại, hội chợ du lịch, kích cầu tiêu thụ sản phẩm vùng, miền... Các hoạt động này đều góp phần tạo thuận lợi cho hàng nội địa, nông sản Việt khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Trong đó, phiên chợ nông sản là bước đi tích cực, sáng tạo do Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tổ chức với mục đích hỗ trợ nhà nông kết nối với DN, nhà phân phối, đưa sản phẩm nông nghiệp tiếp cận gần hơn với nhu cầu của người tiêu dùng trên phạm vi rộng. Để thực hiện mục đích đó, ban tổ chức phiên chợ chủ động liên hệ với các DN, nhà phân phối, chủ siêu thị... để chung tay tiêu thụ nông sản. Song, vấn đề quan trọng là sản phẩm phải bảo đảm sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Theo bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân: Nông sản muốn chiếm lĩnh thị trường, cần phải xây dựng và phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ sản xuất, nuôi trồng tới phân phối đến tay người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là trách nhiệm chung của cơ quan quản lý nhà nước, DN và chính nhà sản xuất, nhà nông phải nghiêm túc thực hiện thông qua những quy trình chặt chẽ.

Lâu nay, người dân, nhất là các hộ sản xuất cá thể, nhỏ lẻ thường ít quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng, an toàn sản phẩm; khâu chế biến, bảo quản cũng còn nhiều bất cập nên khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước ngoài gặp khó khăn. Cho nên, việc áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất khép kín là cần thiết để nâng tầm nông sản Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam Bộ nói riêng. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Trước hết, các địa phương cần xây dựng chuỗi VietGAP, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp để các sản phẩm thực sự có chất lượng. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, vì sức khỏe cộng đồng”.

Theo thống kê, tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh..., có khá nhiều DN đã phát triển liên kết chăn nuôi theo mô hình 3 bên, gồm: Trang trại-nhà cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi-DN bao tiêu sản phẩm. Chuỗi mặt hàng rau, củ, quả cũng áp dụng tiêu chuẩn chất lượng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP trong suốt quá trình trồng, chăm bón, thu hoạch. Song, công tác kiểm tra, kiểm soát đòi hỏi phải được cơ quan chức năng duy trì đều đặn, thường xuyên nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn nông dân, nhà sản xuất buông lỏng quy trình. Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: Các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh kiểm tra sản phẩm tận gốc, tại nguồn, chỉ những sản phẩm đạt chứng nhận an toàn mới được phép lưu thông, kinh doanh. Trong đó, các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn cần được ưu tiên tiêu thụ tại những thị trường lớn. Đồng Nai cũng sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn để tham gia các phiên chợ nông sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận...

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị cho phiên chợ nông sản đợt 2 và hội nghị kết nối cung-cầu năm 2023 diễn ra vào tháng 12 tới, với mục đích kích cầu tiêu thụ các loại hàng hóa. Đây thực sự là những sân chơi hữu ích, tạo thêm cơ hội cho nhà nông TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khẳng định thương hiệu nông sản xanh, sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kich-cau-tieu-thu-nong-san-sach-753389