'Kích hoạt' lại các trường mầm non ngoài công lập

Ðến thời điểm này, hệ thống các trường mầm non đều được mở cửa trở lại, nhưng rất nhiều phụ huynh có con đang học ở các trường ngoài công lập tại các thành phố lớn phải lo tìm trường mới, bởi không ít trường mầm non khối này đã bị đóng cửa, giải thể. Chính quyền các cấp đang tích cực hỗ trợ để hệ thống mầm non tư thục hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu của xã hội, đồng thời bảo đảm đời sống, thu nhập cho giáo viên mầm non khối ngoài công lập.

Giờ học của cô và trò Trường mầm non quốc tế FTF (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). (Ảnh HÀ HỒNG HÀ)

Từ ngày 13/4, các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chính thức mở cửa đón trẻ đi học trở lại. Theo số liệu của Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội, có 432 nghìn trẻ mầm non, chiếm 80% tổng số trẻ mầm non trên địa bàn Hà Nội đã trở lại trường. Công tác tổ chức bán trú được các nhà trường triển khai ngay từ ngày học đầu tiên, giúp phụ huynh yên tâm gửi con để đi làm. Tuy nhiên, nếu như các trường mầm non khối công lập đã nhanh chóng ổn định hoạt động, trở lại nền nếp dạy và học trực tiếp tại trường, thì khối trường ngoài công lập lại đang đối diện nhiều khó khăn.

Hệ lụy còn dài

Sau thời gian dài đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, nhiều trường mầm non dân lập, tư thục, nhóm trẻ tại Hà Nội vẫn tiếp tục đóng cửa hoặc đã bị giải thể. Tại quận Nam Từ Liêm có 10 nhóm lớp mầm non đã thông báo giải thể. Tại quận Ba Ðình, hiện có năm trường ngoài công lập và bốn nhóm lớp đã giải thể. Trên địa bàn quận Hà Ðông còn khoảng 30% số học sinh mầm non chưa thể đến trường, do các cơ sở tư thục chưa hoạt động vì thiếu giáo viên. Còn tại quận Hoàn Kiếm, có gần 40% số giáo viên của các nhóm lớp mầm non ngoài công lập đang xin thôi việc. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Hoàng Mai (Hà Nội) Trương Thu Hà cho biết, quận có 352 nhóm lớp mầm non tư thục, qua khảo sát, số giáo viên của các nhóm lớp này đăng ký đi làm trở lại chỉ đạt 63,2%.

Việc theo dõi sĩ số học sinh mầm non được ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cập nhật từng ngày. Theo số liệu báo cáo ngày 13/4, tại 217 cơ sở mầm non tư thục, có 83% số trẻ đến trường. Tỷ lệ trẻ đến trường rất cao, thể hiện nhu cầu gửi trẻ rất lớn. Hiệu trưởng Trường mầm non quốc tế FTF Nguyễn Thị Hương cho biết, các bậc phụ huynh rất nóng lòng đưa trẻ tới trường. Trong thời gian đóng cửa, nhà trường vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội để giữ chân giáo viên, đây là khoản chi phí rất lớn đối với một cơ sở giáo dục mầm non. Do đó khi có hơn 60% số trẻ đến lớp thì nhà trường rất mừng, mặc dù số lượng trẻ mới đáp ứng chi phí tối thiểu để duy trì hoạt động của trường.

Chị Nguyễn Bích Vân, chủ cơ sở mầm non Sơn Ca (thành phố Vĩnh Yên) than thở: Ðể trường tồn tại được sau hai năm đóng cửa thật vô cùng gian khổ. Cũng may, do cơ sở không phải thuê nhà nên còn gắng gượng được. Chủ cơ sở và giáo viên phải chia sẻ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Ðến nay số trẻ quay trở lại cơ sở đạt hơn 80%, song để bù đắp thiệt hại trong hai năm ngừng hoạt động thì phải mất nhiều thời gian.

Trong thời gian nghỉ dịch, nhiều giáo viên mầm non đã chuyển nghề khác để mưu sinh. Nay, các trường mở cửa đón học sinh, nhưng thu nhập của giáo viên còn thấp, công việc thì vất vả, nên rất khó để kêu gọi các cô giáo quay lại trường, cũng như tuyển thêm giáo viên mới. Nếu không đủ giáo viên, các trường sẽ không thể đón trẻ trở lại trường. Năm ngoái, cô Nguyễn Thu Nga vẫn là giáo viên của Trường mầm non tư thục Hoa Trạng Nguyên (thành phố Thái Nguyên). Dịch Covid-19 khiến cô Nga bị thất nghiệp, để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, cô Nga xin đi làm công nhân tại Công ty Glonic Thái Nguyên. Với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, cao hơn thu nhập khi làm giáo viên, nên đến nay cô Nga không quay lại làm giáo viên mầm non nữa.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, đến tháng 3/2022, tỉnh có 161 giáo viên mầm non bỏ nghề sang làm công việc khác, trong đó có 80 giáo viên của thành phố Phúc Yên, 41 giáo viên của thành phố Vĩnh Yên… Tuy nhiên, con số thống kê này chưa thật đầy đủ, vì có những giáo viên ký hợp đồng ngắn hạn, hoặc mới ký hợp đồng nhưng chưa được đóng bảo hiểm xã hội, cũng phải bỏ nghề làm việc khác vì chờ đợi mở cửa trường học quá lâu.

Cô và trò Trường mầm non Happy Kids (thành phố Thái Nguyên) dần ổn định nền nếp dạy và học. (Ảnh THẾ BÌNH)

Hỗ trợ cơ sở mầm non quay trở lại hoạt động sớm nhất

Ðể giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, cũng như tạo điều kiện cho các trường mầm non ngoài công lập có thể mở cửa hoạt động trở lại, các địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) Nguyễn Thị Hương cho biết, trước mắt, đối với các cháu theo học tại các nhóm lớp đã bị giải thể, quận ưu tiên, tạo điều kiện cho các cháu được chuyển về học tại các trường công lập trên địa bàn. Hiệu trưởng Trường mầm non Happy Kids, Trương Thị Thu Hoài ở thành phố Thái Nguyên cho biết: "Trường tăng sĩ số từ 15 cháu/lớp lên 20 cháu/lớp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tiết kiệm chi phí để từng bước mua sắm thay thế đồ dùng sinh hoạt, học tập xuống cấp. Hiện, trường đang tuyển giáo viên để thay thế những người nghỉ việc".

Tới đây, Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Nam Từ Liêm phối hợp với UBND quận tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho ngành giáo dục mầm non để kêu gọi, thu hút giáo sinh, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm về công tác tại quận, kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành học này. Ðại diện Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, những ngày đầu học sinh mầm non học trở lại, phòng sẽ tích cực rà soát, kiểm tra trực tiếp tại các nhóm lớp để xác định chính xác tỷ lệ giáo viên xin nghỉ việc và có ảnh hưởng nhiều đến việc dạy học của các nhóm lớp hay không. Từ đó có phương án điều chỉnh. Các địa phương cũng đang nỗ lực để hỗ trợ các trường cải tạo cơ sở vật chất, ký hợp đồng giáo viên, giúp cho các cơ sở mầm non quay trở lại hoạt động sớm nhất. Các trường tư thục tăng cường tuyển thêm giáo viên. Việc tiếp nhận học sinh mới cũng sẽ theo tiến độ để phù hợp số lượng nhân lực, không tạo áp lực cho giáo viên, nhân viên. Ðồng thời, tiến hành tăng lương để giữ chân, động viên các cô giáo gắn bó với nghề.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố Hà Nội đã giao Sở Giáo dục và Ðào tạo và các địa phương tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho giáo viên các trường ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo cần tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để khôi phục hoạt động của nhóm trẻ tư thục, ngoài công lập, nhất là khi các trường có nhu cầu thành lập mới.

Ðể giữ chân giáo viên mầm non ngoài công lập đồng thời thu hút lao động quay trở lại làm việc, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện hỗ trợ tiền đối với giáo viên, học sinh các cơ sở mầm non độc lập, tư thục tại các khu công nghiệp. Ðây là việc rất cần thiết trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu lao động, vì nhiều cha mẹ phải thay nhau nghỉ làm để ở nhà trông con. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 220.000 đồng/trẻ/tháng cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động; hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. UBND thành phố Thái Nguyên, Phòng Giáo dục và Ðào tạo đang tích cực hỗ trợ các trường có nhu cầu vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để củng cố trường lớp; tuyển chọn giáo viên còn thiếu để các trường mầm non ngoài công lập dần hồi phục. Ðại diện các trường mầm non ngoài công lập và nhiều phụ huynh kiến nghị chính quyền các cấp khẩn trương tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ năm tuổi. Nhiều chủ cơ sở mầm non độc lập tư thục, trường mầm non tư nhân mong muốn Nhà nước có chính sách giảm tiền thuế đất; đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, để từ đó có điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.

Hương Bình và Hà Trang

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/-kich-hoat-lai-cac-truong-mam-non-ngoai-cong-lap-693342/