'Kích hoạt' thanh toán qua thẻ: Không dễ khi thanh toán bằng tiền mặt vẫn 90%

Việt Nam có trên 43 triệu người trưởng thành sở hữu tài khoản, nhưng có đến 90% giao dịch thanh toán bằng tiền mặt, tại sao?

Ảnh minh họa.

Việt Nam có 75 triệu tài khoản cá nhân

Tại “Diễn đàn ngân hàng bán lẻ 2018” diễn ra tại TP.HCM, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh Toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết những năm trở lại đây người dân đã tiếp cận tốt hơn tới dịch vụ ngân hàng. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trung bình giảm dần qua các năm, đến cuối quý III/2018, tỷ lệ này là 11,6%, số lượng tài khoản cá nhân gần 75 triệu tài khoản, nhưng số người trưởng thành có tài khoản chỉ đạt 43,2 triệu người (có thể 01 người có nhiều tài khoản), chiếm tỷ lệ 60,3% tổng số người trưởng thành.

Tổng số thẻ ATM phát hành đạt trên 101 triệu thẻ, thẻ nội địa là 88 triệu thẻ, thẻ quốc tế là 13 triệu thẻ. Tính đến hết quý III/2018, số lượng giao dịch qua thẻ tăng 21%, nhưng giá trị giao dịch qua thẻ đạt 441.718 tỷ đồng, giảm 19,5% so với cùng kỳ 2017, bằng 62,6% so với cuối năm 2017.

Nguồn: Vụ Thanh toán, NHNN.

Ông Nghiêm Thanh Sơn cũng cho biết thêm Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 27 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Do đó, hết quý III/2018, thanh toán qua ví điện tử đạt 148 triệu giao dịch, tăng 21%, giá trị thanh toán tăng 161%. Thanh toán qua mobile đạt 122 triệu giao dịch, tăng 30%, giá trị thanh toán tăng 126%. Thanh toán qua internet đạt 178 triệu giao dịch, tăng 33%, giá trị thanh toán tăng 18% so với cùng kỳ 2017.

Một thực tế đáng quan ngại theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hầu như 90% giao dịch thanh toán tại Việt Nam vẫn bằng tiền mặt, 10% giao dịch thanh toán không tiền mặt, tỷ lệ này ngược lại so với thế giới.

Số liệu nghiên cứu từ nhóm chuyên gia của ông Cấn Văn Lực cho rằng tỷ lệ người lớn có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam là 40%. Theo ông Lực, có ý kiến cho rằng Việt Nam đang có quá nhiều ngân hàng, nhưng không phải vậy. Hiện các điểm giao dịch của ngân hàng phân bố rất không đồng đều, ở thành phố “ra ngõ gặp ngân hàng”, ở nông thôn có những địa bàn tìm ngân hàng đỏ mắt. Theo thống kê năm 2017, số lượng chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam là 3,9 ngân hàng/100.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ này tại Thái Lan là 12/100.000, bình quân trên thế giới là gần 13/100.000.

“Kích hoạt” thanh toán qua thẻ cách nào?

Các chuyên gia ngân hàng, chuyên gia thẻ tại "Diễn đàn ngân hàng bán lẻ 2018" - Ảnh: BizLIVE.

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng bộ phận phát triển sản phẩm tại Việt Nam - Lào- Campuchia, Tổ chức Visa, có đến 6.100 tỷ USD được giao dịch bằng tiền mặt trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cần có giải pháp để thay đổi thói quen sửa dụng tiền mặt này. Một thống kê của Visa cũng cho thấy, đa số khách du lịch thích sử dụng tiền mặt để thanh toán do lo ngại về an toàn, bảo mật.

Trong 10 năm qua, khách du lịch đến Châu Á tăng 68%, đến Việt Nam tăng 24%, nhưng khi hỏi khách du lịch thích thanh toán bằng phương tiện gì, họ trả lời thích thanh toán bẳng tiền mặt vì không biết nơi đến có thể thanh toán bằng gì. Ngay trong lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ như hiện nay với doanh số hơn 2.700 tỷ USD hằng năm, dự đoán mức tăng trưởng 23% trong giai đoạn 2017 – 2021, nhưng thanh toán qua thẻ chỉ tăng 7%. Tại Việt Nam, đến năm 2021 có tới 4 tỷ USD giao dịch qua thương mại điện tử. Để khai thác các giao dịch thương mại điện tử thanh toán qua ngân hàng, theo ông Phúc, cần giúp khách hàng có trải nghiệm mới, cần tích hợp thanh toán vào các thiết bị IoT (kết nối vạn vật bằng internet), và bảo mật cho khách hàng. Do đó, các đơn vị nên sử dụng công nghệ tiêu chuẩn chung để kết nối và mở rộng trong kỷ nguyên số.

Còn ông Trần Thanh Nam, Giám đốc điều hành, Công ty Công nghệ và Dịch vụ Moca, cho biết theo thống kê có khách hàng mở app 80 lần/ngày (app: các ứng dụng trên điện thoại di động)… Hiện nay, người dân thanh toán các dịch vụ mà không cần đến ngân hàng, chẳng hạn: đi du lịch thì booking trên Agoda; sửa điện thoại, mua điện thoại lên website của Thế giới di động... thanh toán qua các công ty Fintech (công nghệ tài chính). Cần đưa dịch vụ ngân hàng vào hệ sinh thái nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng. Ngân hàng nên bắt tay với các Fintech và kết hợp giữa Fintech (tạo ra trải nghiệm mới cho người dùng) và ngân hàng (quan tâm đến rủi ro, bảo mật).

Về phía ngân hàng, theo ông Trần Quốc Anh, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), việc chuyển đổi kỹ thuật số tại HDBank đã tranh luận khoảng 2 năm nay, và xác định đây là chiến lược kinh doanh không phải là công nghệ. HDBank có khách hàng tiềm năng tới 20-30 triệu người, nhưng hiện mới chỉ phục vụ được hơn 10 triệu khách hàng. Nguyên nhân, việc triển khai ngân hàng số còn khó khăn vì vướng pháp lý trong việc xác thực chữ ký số, tốn kém rất nhiều nguồn lực.

Một kinh nghiệm từ Nhật Bản, theo ông Tac Wantanabe, Phó giám đốc, Công ty Thẻ tín dụng Nhật Bản JBC, tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt tại Nhật vẫn chiếm tới 25%, các lãnh đạo vẫn quan tâm tới việc giảm thiểu dùng tiền mặt. Giải pháp là lắng nghe người tiêu dùng cần gì.

Còn theo bà Winnie Wong, Quản lý khu vực Đông Dương, Tổ chức MasterCard Châu Á –Thái Bình Dương, bức tranh về thanh toán đang thay đổi. Với công nghệ mới ứng dụng blockchain (chuỗi khối) sẽ cho trải nghiệm rất khác biệt, tiện ích hơn, nhanh hơn, an toàn hơn. Việc kết nối ngân hàng trong hành trình này rất quan trọng. Cần phải có khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các bên phối hợp với nhau. Hiện có tới 85% thanh toán vẫn dùng tiền mặt, cần phân tích nhóm nào hay dùng tiền mặt, nhóm nào ít dùng… từ đó đưa ra giải pháp.

LINH LAN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/kich-hoat-thanh-toan-qua-the-khong-de-khi-thanh-toan-bang-tien-mat-van-90-3482504.html