Kịch Tấm Cám của đạo diễn Singapore đung đưa giữa người lớn và trẻ em

Với tham vọng đưa một câu chuyện cổ tích lên sân khấu cho cả người lớn và trẻ em xem, vở 'Tấm Cám' của sân khấu Lệ Ngọc vẫn cần có những sự điều chỉnh.

Tối 15/5, sân khấu Lệ Ngọc tổ chức buổi công diễn vở “Tấm Cám” do đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong chỉ đạo thực hiện, trên kịch bản chuyển thể của nhà văn Nguyễn Hiếu từ chuyện cổ tích cùng tên.

Dù được coi là buổi diễn thử nghiệm trước khi chính thức diễn ra vào 17/5 nhưng sân khấu Nhà hát Lớn, Hà Nội chật kín khán giả. Rất đông trẻ em được cha mẹ đưa đến xem, hiếm hoi có vài thanh thiếu niên và cả những người lớn tuổi.

Cũng đã khá lâu rồi, sân khấu kịch phía Bắc mới có một vở diễn mới dành cho đối tượng là các em thiếu nhi, lại dựa trên một câu chuyện cổ tích nổi tiếng, gần như ai cũng biết, nên vở “” của sân khấu Lệ Ngọc được nhiều khán giả mong chờ. Việc công diễn vào mùa hè, gần dịp Tết thiếu nhi 1/6 cũng khiến vở kịch này “sốt” hơn mong đợi.

Vở kịch "Tấm Cám" của sân khấu Lệ Ngọc.

Vở kịch "Tấm Cám" của sân khấu Lệ Ngọc.

Theo tiết lộ từ BTC, các suất diễn sáng và tối tại một số địa điểm như rạp Đại Nam, rạp Hồng Hà, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô... đã bán hết vé, chỉ còn lác đác một số vé chưa bán vào các suất diễn buổi chiều. Điều đó cho thấy, kịch cho thiếu nhi vẫn là một sân chơi cần thiết và được các phụ huynh cũng như các em học sinh mong đợi.

Trong buổi diễn vào tối 15/5, các khán giả được xem một vở “Tấm Cám” khá kỳ lạ khi không có nhân vật Bụt, không có những cảnh giết chóc man rợ mà thay vào đó là những tràng cười nhẹ nhàng, đơn giản cùng những bài học nhỏ nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Đạo diễn Chua Soo Pong đã rất khéo léo khi để các diễn viên nhí là người bắt đầu, mở ra không gian cho vở kịch bằng những đoạn diễn ngắn bên lề. Điều này không chỉ giúp các khán giả nhí có thể tập trung vào câu chuyện, đồng thời cũng tạo được sự hào hứng khi các bé được thấy những người bạn cùng lứa tuổi của mình vào vai Tấm, Cám lúc nhỏ. Đây cũng là phần mà sự tương tác và phản ứng của khán giả với vở kịch lớn nhất.

Trẻ em diễn cho trẻ em xem.

Bước sang phần diễn chính, khán giả có thể cảm nhận được rõ ràng một câu chuyện cổ tích Việt Nam khi bước lên sân khấu lớn vẫn giữ được hồn cốt, tinh túy, mang nhiều nét văn hóa dân gian. Cốt truyện vẫn theo sát được những diễn biến chính, từ cảnh Tấm và Cám đi mò cua bắt ốc, mẹ con Cám bắt lừa Tấm đi chăn trâu để bắt cá bống ăn, Tấm phải nhặt thóc trộn gạo mới được đi dự hội...

Đến sau này là cảnh gặp gỡ với hoàng tử, “thử hài” để chọn vợ, Tấm chết khi trèo cây cau. Trải qua rất nhiều thử thách, nhiều sự chia lìa với những yếu tố thần tiên như hóa thành chim vàng anh, thành lược ngà, thành quả thị... Tấm và Hoàng tử đã có một cái kết có hậu bên nhau.

Tuy nhiên, bằng góc nhìn của một đạo diễn người nước ngoài, Chua Soo Pong đã mang đến những màu sắc mới lạ và thay đổi khá nhiều tình tiết để gói gọn trong 90 phút của vở kịch.

Mẹ con nhà Cám bắt nạt Tấm.

“Tấm Cám” phiên bản 2019 không còn Bụt mà thay vào đó là hình tượng người mẹ. Trong cuộc sống hiện đại, không có ông Bụt, có cô Tiên mà chính cha mẹ mới là những người sẽ ở bên và giúp đỡ các em khi gặp khó khăn. Đây được xem như một điểm nhấn độc đáo và phù hợp hơn với tâm lý của các bé ở thời hiện đại và truyền tải thông điệp rõ nét về tình mẫu tử. Tuy nhiên, hình tượng người mẹ vẫn chưa được nổi bật, phần diễn còn khá mờ nên chưa làm rõ được chủ đề mà ekip muốn truyền tải.

Vở kịch cũng làm ước lệ những chi tiết rùng rợn như dì ghẻ chặt cây để Tấm ngã chết hoặc lược bỏ hẳn chi tiết quá man rợ là Tấm trả thù bằng cách muối Cám trong vại, gửi cho dì ghẻ ăn. Thay vào đó, vở kịch có một cái kết thực sự nhân văn khi Tấm và Hoàng tử quyết định cho mẹ con nhà Cám một cơ hội để hoàn lương bằng cách làm nhiều việc tốt.

Vở kịch truyền tải thông điệp về tình mẫu tử: Mẹ là ông bụt ở bên con, giúp đỡ cho con khi gặp khó khăn.

Nhìn một cách khái quát, “Tấm Cám” là vở diễn mang được hình thức sân khấu về căn bản: đẹp đẽ, sang trọng và khiến trẻ con hay phụ huynh cũng có thể thích được. Nhưng theo cố vấn nghệ thuật - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái thì vở kịch vẫn còn phải thay đổi khá nhiều.

“Khi xem tổng thể vở diễn ở góc độ là một khán giả, một nhà cố vấn, tôi vẫn thấy vở kịch còn cần chỉnh sửa nhiều cho phù hợp. Phần trang trí sân khấu còn khá đơn điệu và có những chi tiết cung đình, dải lụa chưa thực sự hợp lý. Phần trang phục chưa hòa quyện để tạo thành một tổng thể thống nhất cho vở kịch. Lời thoại ở một số đoạn vẫn còn thiếu để làm rõ hơn về nội dung.

Đặc biệt, vở kịch vẫn thiếu tính hài hước dân gian. Có nhiều đoạn múa hát rất rườm rà, không phù hợp với trẻ con. Do đạo diễn là người nước ngoài nên Chua Soo Pong ưu tiên sử dụng âm nhạc phương Tây nên làm thiếu tính dân tộc Việt Nam”.

Phân đoạn "thử hài làm vợ Hoàng tử"

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, do tham vọng về việc làm hài lòng cả phụ huynh lẫn trẻ em nên vở kịch đang “đung đưa” ở giữa và nếu xử lý không khéo sẽ khiến vở kịch thất bại. Cách giải quyết cho vấn đề này là dựa vào phản ứng của khán giả cùng những đánh giá khách quan để bổ sung và sửa chữa cho những buổi diễn sau.

Vở kịch “Tấm Cám” của sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội sẽ được công diễn từ 17/5 đến 2/6 tại các rạp Đại Nam, Hồng Hà, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô... Vở kịch cũng sẽ được đưa đi tham dự Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thiếu nhi thế giới tại Toyama (Nhật Bản) vào năm 2020./.

Thanh Thanh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/kich-tam-cam-cua-dao-dien-singapore-dung-dua-giua-nguoi-lon-va-tre-em-909799.vov