Kiếm 50 triệu đồng/tháng vẫn bị chê không ổn định

Làm nhiều nghề để có thêm thu nhập nhưng thứ bạn phải đánh đổi lại rất nhiều!

Đôi lúc, việc làm nhiều nghề cùng lúc không phải sự lựa chọn. Mà vì nếu không đa dạng thu nhập, bạn sẽ rất khó khăn để duy trì kinh tế tốt trong giai đoạn này. Thu Nguyệt (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Bản thân mình đang làm 2-3 công việc khác nhau. Nhưng không phải vì mình muốn đa nhiệm, mà chỉ đơn giản là muốn kiếm tiền. Khoảng thời gian đầu năm nay, mình càng thấy sự quan trọng của việc có nhiều nguồn thu nhập". Đừng để đến khi khoản tiền lương cố định hàng tháng bị cắt giảm, bạn mới hớt hải để tìm cách bù đắp. Tuy vậy, Thu Nguyệt cũng cho biết thêm, sếp của cô không thích nhân viên làm nhiều nghề cùng lúc.

Chính những người bạn quen biết với Phúc Nguyễn (24 tuổi, Đà Nẵng) đã từng đặt cho cậu bạn câu hỏi: "Làm nhiều dự án ngoài thế này, lại trong thời gian ngắn hạn như thế liệu có học hỏi được gì không?", hay "Sau này cầm hồ sơ đó đi xin việc, khả năng được nhận rất thấp, vì làm freelancer không được tính là kinh nghiệm". Nhưng Phúc cho biết, cái cậu bạn quan tâm bây giờ là làm sao để kiếm được tiền nhanh nhất! Và câu trả lời, là nhận làm nhiều công việc cùng lúc để gia tăng thu nhập. Tuy vậy, cũng suy xét về mặt lâu dài, nên Phúc đã xin vào làm ở một công ty startup. Vừa được sếp hướng dẫn tận tình, vừa có kinh nghiệm tích lũy cho mai sau. Chính vì thế mà thời gian làm việc của Phúc lên đến 17-18 tiếng/ngày. Quả thực, có đôi lúc đã vắt kiệt sức của cậu bạn.

Không được đánh giá cao dù “đa nhiệm”

Một số người thường nghĩ, khi làm nhiều công việc cùng lúc thì sẽ được đánh giá cao. Vì lúc nào cũng bận rộn, khả năng quản lý thời gian tốt, hơn nữa thu nhập lại rất tốt. Nhưng trong trường hợp của Thu Nguyệt thì không phải vậy. Sếp đã nhắc nhở và có nhiều lời phàn nàn vì những công việc bên lề của Nguyệt.

"Sếp cũ của mình - vì mình vừa mới nghỉ việc từ đầu năm. Trước đây, sếp luôn có định kiến với những nhân viên nhận dự án ngoài. Vì sếp luôn có suy nghĩ: Nếu làm 2-3 công việc cùng lúc sẽ không thể đẩy hiệu suất lên cao nhất, gây mất tập trung trong giờ làm, dễ bỏ việc giữa chừng. Nhưng với mình, nếu chỉ sống bằng mức lương 10-12 triệu đồng/tháng ở Hà Nội thì không đủ sống! Vậy nên, mình mặc kệ sự khó chịu đó mà vẫn nhận thêm công việc khác”.

Đa nhiệm không phải lúc nào cũng được đánh giá tốt. (Ảnh Pinterest)

Còn đối với Phúc Nguyễn, công việc chính hiện tại là Freelance Marketing, dù thu nhập có những tháng lên tới 50-60 triệu, nhưng trong mắt bạn bè thì vẫn là người "không có công việc ổn định". Nhiều khi, Phúc cũng có suy nghĩ "Ổn định trong mắt các bạn là gì? Không phải là mức lương hàng chục triệu/tháng ư?" Cho đến khi, cậu bạn nộp hồ sơ vào một công ty có quy mô khá lớn, và bị từ chối bởi lý do: "Kinh nghiệm không đủ, chuyên môn không sâu, và trải nghiệm trong nghề quá ít".

Điều này khiến Phúc phải nghiêm túc nhìn lại bản thân mình. Tuy có mức thu nhập ổn, những kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp đều khá thành thạo, nhưng khả năng xử lý vấn đề kém. Điều này liên quan đến khoảng thời gian làm tự do quá lâu, Phúc không tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều. Dù từng xử lý cùng lúc 4-5 đầu việc, nhưng trong mắt nhà tuyển dụng thì lại không được đánh giá cao. Vì những dự án này không có mặt trên giấy tờ chính thức nào cả.

Sau đó, Phúc quyết định bắt đầu lại tại một công ty startup. Vì trong những môi trường mới này, sếp cần những người làm được việc. Nhưng Phúc không từ bỏ công việc freelancer (làm tự do), vì: "Quả thực nếu chỉ nhận 1 đầu lương, mình không đủ sống. Với mức sống hiện tại, ít nhất mình phải duy trì được 2-3 công việc". Được làm việc ở môi trường khá thoải mái, coi trọng kết quả hơn quá trình, nên Phúc cũng có nhiều thời gian hơn để xoay xở thêm các dự án ngoài.

Gạt bỏ nỗi sợ bị đánh giá để vừa kiếm tiền, vừa tích lũy được kinh nghiệm

Để giải quyết vấn đề này, cả Nguyệt và Phúc đều chọn phương án: Làm tốt 1 công việc hành chính toàn thời gian, và duy trì thêm 2-3 đầu việc khác. Vì cả hai đều có chung quan điểm: Vừa cần kiếm tiền, nhưng cũng cần kinh nghiệm.

Sau khi chuyển việc, Nguyệt không công khai chuyện mình làm thêm dự án ngoài, vì đơn giản: "Mình không muốn khiến sếp lo lắng vì nhân viên xao nhãng nữa. Mình vẫn sẽ duy trì tốt công việc hiện tại, và tập trung làm dự án vào buổi tối và cuối tuần. Đây là khoảng thời gian tách biệt mình và công ty, nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hiệu suất công việc. Mình vẫn kiên quyết việc gia tăng thu nhập bằng nhiều nghề. Vì tính phần trăm ra, thì khả năng tăng lương ở vị trí hiện tại, trong vài năm tới cũng sẽ không bằng mức thu nhập khi đa nhiệm. Bản thân mình có dự định riêng, nên việc thăng chức trong công ty không phải là đích đến. Mình khá hài lòng với thu nhập, cũng như công việc hiện tại mà bản thân đang có".

Đầu tư thời gian để tích lũy thêm kinh nghiệm. (Ảnh Pinterest)

Phúc Nguyễn tự nhận bản thân có chút "tham lam" khi vừa muốn có thu nhập cao, vừa muốn có kinh nghiệm: "Mình vẫn muốn trải nghiệm làm trong công ty lớn vài năm. Vì bộ máy vận hành và cách làm việc ở nơi đó chắc hẳn sẽ khiến mình trưởng thành lên nhiều. Nên hiện tại, mình hy sinh thời gian nghỉ ngơi và vui chơi, để tập trung phát triển bản thân. Chỉ khi có kinh nghiệm, bằng cấp đủ giỏi mới có thể đặt chân đến những công ty lớn mà mình mơ ước. Dù làm tự do, nhiều nghề cùng lúc mang đến thu nhập tốt. Nhưng nó không hề ổn định. Một vài năm tới, biết đâu freelancer lại lỗi thời. Lúc đó mới cứu vãn, thì có lẽ không kịp rồi. Vậy nên, có những ngày làm việc từ sáng sớm cho đến đêm khuya, 17-18 tiếng/ngày mình vẫn chịu được. Và cảm thấy nó xứng đáng!”.

Có thể thấy, việc làm nhiều nghề cùng lúc đôi khi cũng là nỗi sợ của những người trẻ. Vì trong xã hội hiện đại, chúng ta không thể đoán trước được điều gì. Vậy nên, chỉ có thể cố gắng hết sức mình để mang đến cơ hội thật tốt cho bản thân ở hiện tại!

Nguyễn Quỳnh Trang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/kiem-50-trieu-dong-thang-van-bi-che-khong-on-dinh-20230314192117473.htm