Kiềm chế đà tăng CPI

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, vượt mục tiêu kiềm chế CPI dưới 4% như đã đề ra từ đầu năm. Nhiều giải pháp đang được triển khai để kiềm chế đà tăng của chỉ số này.

Từ đầu năm đến nay, CPI liên tục tăng ở mức cao, trong đó, con số bình quân 6 tháng là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - phân tích, nguyên nhân chủ yếu kích đẩy CPI tăng bởi nhóm giao thông tăng tới 6,05% trong tháng 6, do ảnh hưởng của tăng giá xăng, dầu. Bên cạnh đó, giá thịt lợn hơi trong tháng vẫn neo ở mức cao với mức trung bình khoảng 100.000 đồng/kg tại nhiều địa phương, khiến CPI tăng theo, tác động mạnh đến CPI.

Giá xăng dầu được điều chỉnh linh hoạt theo sát diễn biến giá thế giới

Giá xăng dầu được điều chỉnh linh hoạt theo sát diễn biến giá thế giới

Năm 2020, hàng loạt những yếu tố bất thường như dịch Covid-19, giá thịt lợn neo cao, giá xăng dầu biến động tăng giảm đan xen… khiến chỉ số CPI khó dự báo và không dễ dàng kiềm chế theo mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, những mặt hàng do nhà nước quản lý giá vẫn được điều hành linh hoạt để không đặt áp lực quá lớn lên CPI.

Đơn cử, với xăng dầu, dù giá được điều chỉnh theo tăng giảm của giá thế giới, song liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành nhằm kiềm chế không để mặt hàng thiết yếu này tăng giá quá cao. Đơn cử, trong kỳ điều hành ngày 13/7, để giữ ổn định giá xăng dầu sau 4 lần tăng trước đó theo đà tăng của giá thế giới, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng mức chi Quỹ bình ổn xăng dầu.

Theo phân tích của PGS.TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), một số yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI những tháng cuối năm là tình hình dịch bệnh Covid-19; chiến tranh thương mại; xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng. Bên cạnh đó, cung - cầu thịt lợn ở Việt Nam những tháng cuối năm 2020 được dự báo sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn dần hạ nhiệt. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bình ổn giá thị trường, điều hành chính sách tiền tệ, kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Đây chính là yếu tố tích cực để ổn định CPI. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xăng dầu vẫn là một ẩn số cần đặc biệt lưu ý từ nay đến cuối năm, bởi tình hình địa chính trị trên thế giới vẫn còn phức tạp, dự báo sẽ tiếp tục tác động lên giá xăng dầu. Do đó, cần sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu linh hoạt, hài hòa..., chia sẻ áp lực tăng giá nhiên liệu, nhằm mục tiêu bình ổn giá xăng dầu thị trường nội địa. Hơn nữa, cần tận dụng hết năng lực lọc dầu trong nước để bổ sung tối đa cho nguồn cung.

Tuy vẫn ở mức tăng cao, song có thể thấy rõ, CPI bình quân đang có xu hướng giảm dần. Nếu như CPI bình quân tháng 1/2020 tăng tới 6,54%, đến 6 tháng đã giảm xuống 4,19%, dần tiệm cận với mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra (tăng khoảng 4%). Bà Đỗ Thị Ngọc nhận định, giá xăng, dầu và thịt lợn sẽ diễn biến theo hướng ổn định hơn, không đáng lo ngại. Bằng việc nhận diện thực trạng, yếu tố tác động và tập trung điều hành, kiểm soát đà tăng giá của Chính phủ, các cơ quan chức năng dự báo, CPI có khả năng sẽ được khống chế dưới 4% như chỉ tiêu đề ra.

Để thực hiện được mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm 2020 trong khoảng 4%, dư địa cho các tháng còn lại sẽ ở mức +0,56%/tháng, vẫn trong tầm kiểm soát nếu các giải pháp điều hành giá được thực hiện quyết liệt và linh hoạt.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-che-da-tang-cpi-140462.html