Kiểm định nước nhiễm dầu: Băn khoăn kiểm định nửa vời

'Đầu nguồn sạch bao nhiêu nhưng đến người dân đã sạch hay chưa mới là vấn đề phải kiểm tra', Luật sư Trương Xuân Tám

Vụ việc nước sông Đà nhiễm dầu vẫn đang gây xôn xao dư luận về trách nhiệm của phía Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Công ty Viwasupco) và hướng xử lý nguồn nước sao cho đảm bảo để tiếp tục cung cấp nước cho người dân sử dụng.

Tại buổi họp báo vào chiều ngày 17/9, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty Viwasupco cho biết, sau khi thau rửa bể, đường ống dẫn nước thì khoảng 21h tối ngày 16/10, đơn vị này đã cấp nước trở lại cho các công ty phân phối tới người dân.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: TNO

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: TNO

Động thái này được thực hiện sau cuộc họp khẩn với UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và phía sông Đà vào chiều 16/10. Tại đây đã cung cấp kết quả khẳng định chất lượng nước sông Đà đã đạt chuẩn.

Tuy nhiên, phía nước sông Đà khuyến cáo người dân chỉ nên dùng nước này tắm rửa, chưa thể dùng để nấu ăn.

Nói về việc này, tối cùng ngày, trao đổi với báo Đất Việt, luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, sự cố nước sông Đà nhiễm dầu là việc hết sức nguy hại và đáng tiếc. Về nguyên tắc, hợp đồng mua bán nước tiêu dùng phải chú trọng không chỉ phía cấp nước mà còn cả phía nhận nước.

"Sản phẩm cuối cùng đến với các hộ dân là đặc biệt quan trọng, đầu nguồn sạch bao nhiêu nhưng đến người dân đã sạch hay chưa mới là vấn đề phải kiểm tra. Việc này phía Công ty Viwasupco lẽ ra phải thể hiện sự thiện chí cầu thị thành lập hội đồng để đi lấy mẫu ở các quận, huyện khác nhau rồi đưa đi giám định khẩn trương.

Sự việc đã xảy ra hơn một tuần như vậy đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà vẫn chưa giải quyết xong là quá chậm chạp, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của phía Công ty Viwasupco", luật sư Tám nói.

Theo luật sư Tám, mặt khác để đảm bảo chắc chắn cho người dân yên tâm sử dụng, UBND TP Hà Nội hoặc Sở Y tế, Hội bảo vệ người tiêu dùng phải trực tiếp tổ chức đi giám định, kiểm định mẫu nước.

"Cần phải lấy mẫu nước ở tất cả các điểm phường, quận, huyện khác nhau, chưa thể tin vào một lời khẳng định của phía Công ty Viwasupco về nguồn nước đã sạch. Chính bởi vậy cần có bên kiểm định độc lập", luật sư Tám nói thêm.

Người dân phát hiện nhiều vết dầu loang ở khu vực thượng nguồn gần nhà máy nước sông Đà (Hòa Bình). Ảnh: Zing.vn

Cũng liên quan đến việc này, có nguồn tin cho rằng, cạnh nguồn nước sông Đà có một trang trại lợn rất lớn. Nhiều người lo ngại về việc nếu thông tin này có thật thì nguồn nước sông Đà có thể sẽ bị nhiễm cả nước phân lợn.

Về việc này, tối cùng ngày, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) khẳng định, xung quanh khu vực suối đầu nguồn ở xã Phúc Tiến không có người dân sinh sống, càng không có trang trại nào.

"Bên trên suối nước là quả đồi chỉ để trồng keo, không ai nuôi con gì quanh khu vực đó, nhất là trang trại lợn càng không. Từ hôm xảy ra những lùm xùm về nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm chúng tôi làm việc suốt ngày ở đấy, làm gì có chuyện có trang trại lợn mà chúng tôi không biết.

Chỉ có quả đồi bên xã Phú Minh có một trang trại lợn lớn nhưng nơi xả thải của trang trại này không hề liên quan đến dòng nước sông Đà", ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, trên địa bàn xã chưa từng xảy ra tình trạng đổ trộm dầu thải ra môi trường.

Ngoài ra trên địa bàn xã và một số xã xung quanh, người dân chủ yếu là làm nông không có cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến dầu.

Trước đó, hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội đã rất hoang mang, lo lắng trước tình trạng nguồn nước sạch từ nhà máy nước sông Đà cung cấp tới các hộ dân có mùi lạ, mùi khét.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/kiem-dinh-nuoc-nhiem-dau-ban-khoan-kiem-dinh-nua-voi-3389657/