Kiếm hiệp Kim Dung: Ai là người đứng đầu trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo

Tứ đại pháp vương mỗi người đều nắm giữ một bộ tuyệt kỹ võ công trấn phái của Minh giáo, nếu có một ngày họ đối đầu nhau thì sẽ là một cuộc đấu kinh thiên động địa, còn nếu họ hợp sức lại cùng nhau thì võ lâm chẳng mấy người có thể cản phá nổi.

Trong lịch sử, Mani giáo (hay còn gọi Minh giáo, Mạt Ni giáo, Mâu Ni giáo), là một tôn giáo cổ của Iran, do Mani (216-277), người Ba Tư sáng lập vào khoảng thế kỷ 3, được truyền bá theo hai hướng Đông - Tây, cực thịnh một thời, ảnh hưởng sâu rộng. Về sau, giáo phái này tàn lụi dần và ít nghe tiếng tăm.

Minh giáo truyền sang Trung Quốc, chính thức được Võ Tắc Thiên công nhận vào năm 694 và phát triển mạnh vào năm 806 khi triều Đường cho Minh giáo lập chùa ở kinh đô Trường An, sắc tứ là “Đại Vân Quang Minh tự”. Từ đó, Minh giáo truyền đi khắp các châu thuộc miền Nam Trung Hoa như Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu... Minh giáo có ảnh hưởng từ dân chúng đến đại sĩ phu.

Đỉnh Quang Minh là địa danh nổi tiếng trong phim Ỷ thiên đồ long ký, nơi Trương Vô Kỵ một mình giải cứu Minh giáo. Đây là địa danh có thực, nằm ở dãy Hoàng Sơn. (Ảnh: Nipic).

Xuất hiện trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Minh giáo được biết tới là môn phái mang gốc gác từ xứ sở Ba Tư, khác biệt hoàn toàn so với các môn phái trên Võ lâm trung nguyên thời bấy giờ.

Minh giáo nổi bật trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký với giáo chủ là Trương Vô Kỵ. Trong Tiếu ngạo giang hồ, Minh giáo cũng được biết đến với tên gọi Nhật Nguyệt thần giáo với giáo chủ Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Nhậm Doanh Doanh. Trong đó Nhậm Ngã Hành đã tu luyện thành công Hấp Tinh Đại Pháp, Đông Phương Bất Bại cũng trở thành lưỡng tính với Quỳ Hoa Bảo Điển.

Trương Vô Kỵ giải cứu Minh giáo tại đỉnh Quang Minh. (Ảnh minh họa).

Minh giáo cùng với Thiếu Lâm và Cái Bang được xem là 3 giáo phái, môn phái và bang hội hùng mạnh nhất võ lâm. Tổng đàn của Minh giáo đặt trên đỉnh Quang Minh, dãy núi Côn Luân. Dưới chức giáo chủ là chức Quang Minh tả sứ và Quang Minh hữu sứ. Minh giáo thờ thần lửa, lấy hành hiệp trượng nghĩa, cứu giúp dân lành làm tôn chỉ.

Minh giáo thờ thần lửa, lấy hành hiệp trượng nghĩa, cứu giúp dân lành làm tôn chỉ. Tuy nhiên sau khi giáo chủ đời thứ 33 của Minh giáo là Dương Đỉnh Thiên qua đời, phái khi này đã liên tiếp vướng vào nhiều rắc rối khiến cả võ lâm khinh ghét, hiểu lầm là Ma giáo mà kiên quyết cùng nhau trừ diệt tận gốc.

Khi theo dõi tác phẩm Ỷ thiên đồ long ký, ngoài những diễn biến về cuộc đời nhân vật chính Trương Vô Kỵ (cũng là giáo chủ mới của Minh giáo về sau này), ắt hẳn cũng nhiều người biết rằng thời hưng thịnh của Minh giáo còn phải tùy thuộc rất nhiều vào Tứ đại pháp vương. Họ gồm 4 người: Kim Mao Sư Vương, Bạch Mi Ưng Vương, Tử Sam Long Vương và Thanh Dực Bức Vương.

Tứ Đại Pháp Vương là những người sẵn sàng sống chết cùng với số phận của Minh giáo. (Ảnh minh họa).

Theo cốt truyện của cố nhà văn Kim Dung, nhân sĩ võ lâm trong bấy giờ vẫn thường đồn đại rằng, mỗi người trong bộ tứ này đều nắm giữ một bộ tuyệt kỹ võ công trấn phái của Minh giáo, nếu có một ngày họ đối đầu nhau thì sẽ là một cuộc đấu kinh thiên động địa, còn nếu họ hợp sức lại cùng nhau thì võ lâm chẳng mấy người có thể cản phá nổi. Sở hữu địa vị khiến giang hồ kinh sợ là vậy, nhưng thực tế khi Ỷ thiên đồ long ký được dựng thành phim thì Tứ đại pháp vương của Minh giáo lại chỉ được coi như vai nhân vật phụ rất mờ nhạt.

Kim Mao Sư Vương

Kim Mao Sư Vương.

Tạ Tốn ngoại hiệu là Kim Mao Sư Vương, là người đứng thứ ba trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo. Tạ Tốn là người văn võ toàn tài. Không chỉ là một trong tứ đại hộ pháp Tử - Bạch - Kim - Thanh (Tử Sam Long Vương, Bạch Mi Ưng Vương, Kim Mao Sư Vương và Thanh Dực Bức Vương), Tạ Tốn còn tinh thông văn chương, kinh sử không thua kém gì một bậc đại khoa.

Tuy chức vụ xếp sau Tả Hữu sứ giả nhưng trong di thư của cố giáo chủ Dương Đỉnh Thiên thì ông được đề cử chức vụ Phó giáo chủ. Ông là đệ tử của Hỗn Nguyên Phích Lịch Thủ Thành Côn nhưng sau đó bị sư phụ hãm hại cả gia đình nên đã học lén Thất Thương Quyền của phái Không Động rồi gây án khắp nơi, để lại danh tính của Thành Côn nhằm dụ y ra để báo thù nhưng bất thành. Ngoài Thất Thương Quyền ông còn sở hữu tuyệt kỹ Sư Tử Hống.

Trong lúc Thiên Ưng giáo, tổ chức hội Dương Đao lập uy để khoe thanh đao Đồ Long họ vừa chiếm đoạt được trên Vương Bàn sơn, thì Tạ Tốn thình lình xuất hiện. Giữa đông người, ông đoạt đao Đồ Long và nảy ra ý định giết chết tất cả để bịt đầu mối. Ông sử dụng tuyệt kỹ Sư Tử Hống của mình để làm điên khùng hết thảy, chỉ trừ có hai người là Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn, họ an toàn do đã thắng Tạ Tốn trong 1 cuộc tỷ thí, Thúy Sơn lấy bút pháp lồng vào kiếm pháp, một tuyệt kỹ do sư phụ Trương Tam Phong truyền thụ mà viết 24 chữ thành bài thơ về Đồ Long đao vào vách núi, Tạ Tốn chịu thua vì không viết được như thế.

Sau này khi nhiều lần bị Kim Hoa bà bà gây khó dễ để đoạt thanh Đồ Long đao (lúc này Tạ Tốn đã bị mù hai mắt), Tạ Tốn có kể cho Trương Vô Kỵ biết Kim Hoa bà bà là một nữ nhân tuyệt sắc và đứng đầu trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo tiếp theo là Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính và cuối cùng là Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu.

Tử Sam Long Vương

Tạo hình Kim Hoa bà bà trong phim Ỷ thiên đồ long ký 2019.

Kim Hoa bà bà ngoại hiệu là Tử Sam Long Vương, là người đứng đầu trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo. Bà tên thật là Đại Ỷ Ty, là thánh nữ của Minh giáo Ba Tư, cũng là mẹ của Tiểu Chiêu và là sư phụ của Ân Ly. Bà sang Trung Nguyên để tìm bí kíp Càn khôn đại na di, võ công thất lạc của Minh giáo Ba Tư.

Bà là một nữ nhân tuyệt sắc, sau này vì Hàn Thiên Diệp mà phản bội Minh giáo và sinh ra Tiểu Chiêu. Bà tuy dung mạo trẻ trung nhưng vì muốn trốn tránh Minh giáo nên luôn đóng giả một bà già với giọng ho đặc trưng. Võ công của bà tựa hồ cao hơn Diệt Tuyệt sư thái nhưng do không có vũ khí đối lại Ỷ Thiên kiếm nên thành ra thất thế.

Bạch Mi Ưng Vương

Tạo hình Kim Ân Thiên Chính trong phim Ỷ thiên đồ long ký 2019.

Ân Thiên Chính ngoại hiệu là Bạch Mi Ưng Vương, là người đứng thứ hai trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo sau Tử Sam Long Vương, mặc dù tuổi cao nhưng võ công cao cường nên ông là lão tướng duy nhất trong Minh giáo. Sau khi Dương Đỉnh Thiên mất tích, nội bộ Minh giáo bất hòa khiến ông thành lập ra Thiên Ưng giáo. Bạch Mi Ưng Vương là cha của Ân Tố Tố, ông ngoại của Trương Vô Kỵ.

Võ công của ông không bằng Dương Tiêu, Phạm Dao, Tạ Tốn nhưng cao hơn Vi Nhất Tiếu, Đại Ỷ Ty, Ngũ Tản Nhân với tuyệt kĩ thành danh Ưng Trảo Cầm Nã Thủ (Trảo pháp sắc bén tàn nhẫn vô cùng) cũng khiến Ân Thiên Chính nổi danh khắp toàn thiên hạ.

Thanh Dực Bức Vương

Vi Nhất Tiếu.

Vi Nhất Tiếu ngoại hiệu là Thanh Dực Bức Vương, là người đứng thứ 4 trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo. Ông là người vô cùng cổ quái và lập dị. Trước khi Trương Vô Kỵ lên làm giáo chủ Minh giáo thì Vi Nhất Tiếu bị tẩu hỏa nhập ma khi luyện công, do đó khi khai triển nội công đều phải hút máu người sống, nếu không thì sẽ bị lạnh cóng toàn thân và chết (nên hình ảnh của Vi Nhất Tiếu luôn gắn liền với "Con dơi hút máu người"). Sau này nhờ Trương Vô Kỵ dùng Cửu Dương Thần Công chữa trị, nên Vi Nhất Tiếu không còn phải hút máu người sau khi vận nội công nữa. Từ đó Vi Nhất Tiếu đã trở thành một trợ thủ đắc lực cho Trương Vô Kỵ. Nhờ tài khinh công thuộc hàng đệ nhất thiên hạ của mình mà nhiều phen Vi Nhất Tiếu đã giải cứu nhóm người Trương Vô Kỵ khỏi những lúc nguy nan. Ngoài ra, ông còn có võ công Hàn băng miên chưởng.

Video: Kim Hoa bà bà đấu Diệt Tuyệt sư thái.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-ai-la-nguoi-dung-dau-trong-tu-dai-phap-vuong-cua-minh-giao-a434136.html