Kiếm hiệp Kim Dung: Giáng Long Thập Bát Chưởng uy lực nhưng vì sao vẫn không bằng nội công phái Toàn Chân

Người trong võ lâm đều ngưỡng mộ uy lực của Giáng Long Thập Bát Chưởng, duy chỉ có Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông là xem thường.

Giáng Long Thập Bát Chưởng là bộ chưởng pháp chí cương, chí dương được lưu truyền giữa các đời bang chủ Cái Bang, do bang chủ đời thứ nhất của Cái Bang tên Hồng Tứ Hải sáng tạo ra với tên Dịch Kinh Hàng Long Chưởng gồm 28 chiêu. Sau này được Tiêu Phong trong Thiên Long Bát Bộ giản hóa, rút gọn xuống 18 chiêu thức và sửa tên là Giáng Long Thập Bát Chưởng.

Từ Thiên Long Bát Bộ cho đến Xạ Điêu Tam Bộ Khúc, Giáng Long Thập Bát Chưởng luôn được xem là độc bá giang hồ, độc bộ võ lâm. Ba người nổi tiếng nhất gắn liến với bộ chưởng pháp này đều là anh hùng cái thế đương thời, gồm Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ, Hồng Thất Công và Quách Tĩnh trong Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ (đều thuộc Xạ Điêu Tam Bộ Khúc).

Đến thời Ỷ Thiên Đồ Long Ký (bộ cuối cùng trong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc), Tống Thanh Thư dù học được chọn vẹn Giáng Long Thập Bát Chưởng trên Đồ Long Đao nhưng không phát huy được uy lạnh mạnh mẽ như các anh hùng đời trước. Dù vậy, khi hắn xuất chiêu vẫn khiến Bạch Mi Ưng Vương phải thán phục.

Lão Ngoan Đồng từng đánh giá Giáng Long Thập Bát Chưởng chỉ là môn võ công lợi hại nhưng không thuộc hàng tuyệt đỉnh võ học.

Lão Ngoan Đồng cho rằng Giáng Long Thập Bát Chưởng có giới hạn nhất định. Như bang chủ Cái Bang Hồng Thất Công đã luyện bộ chưởng pháp này tới cảnh giới cao nhất và võ công không thể thăng tiến được nữa. Ngược lại, theo lời Lão Ngoan Đồng, võ công của phái Toàn Chân như thuyền trôi giữa đại dương, dù luyện như nào cũng không có đích đến.

Nếu đem Giáng Long thập Bát Chưởng so sánh với Tiên Thiên Công của phái Toàn Chân thì quả là một trời một vực.

Tiên Thiên Công là môn nội công thượng hạng, có tác dụng đả thông kỳ kinh bát mạch, tu luyện đến mức tận cùng cũng không thua kém gì Cửu Âm Chân Kinh. Vương Trùng Dương cũng chưa luyện môn võ này đến cùng bởi ông từng nói "có luyện thêm nữa cũng chỉ là thiên hạ đệ nhất mà thôi".

Mặt khác, sự lợi hại của Giáng Long Thập Bát Chưởng nằm ở nội lực chứ không phải chưởng thức. Nếu chỉ luyện chưởng thức mà không luyện nội lực, người học cũng chỉ lợi hại thêm được chút ít. Chu Bá Thông nói rằng Giáng Long Thập Bát Chưởng của Hồng Thất Công lợi hại là bởi nội công thâm hậu. Quách Tĩnh sau này nhờ uống máu rắn và tu luyện nội công Cửu Âm Chân Kinh nên mới có thể phát huy uy lực tối đa của Giáng Long Thập Bát Chưởng.

Điều này càng được thể hiện rõ trong trường hợp của Tống Thanh Thư. Do nội công của người này không thâm hậu nên đã không thể phát huy được sự mạnh mẽ của Giáng Long Thập Bát Chưởng.

Như Lão Ngoan Đồng nói, nếu Vương Trùng Dương còn sống và tiếp tục luyện võ, kỳ Hoa Sơn luận kiếm thứ 2 vẫn chẳng có ai đoạt được danh hiệu đệ nhất thiên hạ từ ông ấy.

Giáng Long Thập Bát Chưởng từng được giản hóa, tối ưu một lần bởi Kiều Phong, nên Hồng Thất Công không thể nhìn ra khuyết điểm để cải thiện nhằm vượt qua giới hạn. Do đó, để nâng cao trình độ của bản thân, ông chỉ còn cách dựa vào chiêu thức tinh diệu của Đả Cẩu Bổng Pháp. Hướng phát triển này của Hồng Thất Công được cho là rất chính xác.

Chiêu cuối cùng trong bộ võ học chấn phái này của Cái Bang này là Thiên Hạ Vô Cẩu, do đích thân Hồng Thất Công cải tiến và tạo ra, biến ảo vô cùng, giúp ông đạt tới một cảnh giới mới.

Ngay cả thiên tài võ học Âu Dương Phong, từng có thể luyện ngược Cửu Âm Chân Kinh, cũng phải suy nghĩ suốt đêm đến bạc cả đầu mới có thể phá giải nhưng rồi cũng vì quá lao lực mà qua đời.

Hoa Vũ (Theo Sohu)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/kiem-hiep-kim-dung-giang-long-thap-bat-chuong-uy-luc-nhung-vi-sao-van-khong-bang-noi-cong-phai-toan-chan-a346667.html