Kiếm hiệp Kim Dung: Nhân vật quái dị nhất Tiếu ngạo giang hồ

Mạc Đại tiên sinh là chưởng môn phái Hành Sơn, tuy nhiên rất ít khi xuất hiện trên giang hồ, những lúc ông xuất hiện, giang hồ ắt đổ máu.

Trong văn chương tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung thường có các cụm từ "trông lão thật là quái dị" hoặc "khuôn mặt của gã thật là quái dị".

Tuy viết như thế nhưng khái niệm quái dị không ngừng lại ở chỗ mô tả ngoại hình, động tác. Khái niệm quái dị đi vào chiều sâu nhân cách của các nhân vật, chủ yếu đưa ra những cách sống, cách tư duy khác đời và lắm khi, đi ngược lại cái lẽ thường của cuộc sống.

Mạc Đại tiên sinh Trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001.

Mạc Đại tiên sinh Trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh là nhân vật quái dị tiêu biểu. Thật ra ông họ Mạc hay họ Mạc Đại thì Kim Dung cũng không nói rõ. Ông được giang hồ nhắc đến với cái tên Mạc Đại tiên sinh. Ông nổi tiếng giang hồ với bản nhạc Tiêu Tương Dạ Vũ nghĩa là "Đêm mưa bên bến Tiêu Tương".

Thân danh là chưởng môn của phái Hành Sơn, Mạc Đại luôn luôn ăn mặc rách rới như một gã Cái bang, chơi một cây dao cầm (hồ cầm) cũ kỹ và miệng luôn hát bài Tiêu Tương Dạ Vũ. Thế nhưng, trong đáy cây dao cầm của tiên sinh có dấu một cây kiếm lưỡi mỏng như lá lúa, rất lợi hại. Mạc Đại được xưng tụng là "cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm" (trong đàn có dấu một cây kiếm, và khi múa kiếm thì lại phát ra tiếng đàn).

Khi tiên sinh rút kiếm ra khỏi cây đàn, vận công vào thân cây kiếm khiến kiếm khí phóng ra veo véo nơi đầu mũi. Với "Hành Sơn vân tụ thập tam thức", chưa có một đối thủ nào thoát khỏi tay Mạc Đại tiên sinh.

Mạc Đại luôn luôn ăn mặc rách rới như một gã Cái bang.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Mạc Đại chỉ xuất hiện không quá mười trang sách nhưng đã gây được ấn tượng mạnh mẽ và chiếm được cảm tình nồng thắm nơi người đọc. Ông rất ít khi xuất hiện trên giang hồ, tuy nhiên những lúc ông xuất hiện, giang hồ ắt đổ máu. Lần thứ nhất ông xuất hiện trong tửu quán dưới chân núi Hành Sơn, bất ngờ rút kiếm chém đứt tiện 7 chiếc trà trên bàn mà những giang hồ hảo thủ ngồi quanh không thể hiểu được tiên sinh đã rút kiếm ra và thu kiếm về lúc nào. Cũng trong lần đó sư đệ của ông là Lưu Chính Phong thân tàn danh liệt, tan cửa nát nhà.

Lần thứ 2 Mạc Đại Tiên sinh hiện ra đúng lúc, múa kiếm giết chết Đại tung dương thủ Phí Bân của phái Thái Sơn để cứu sư đệ của mình là Lưu Chính Phong cùng Khúc Dương (trưởng lão Ma giáo), Khúc Phi Yên (con gái của Khúc Dương), Lệnh Hồ Xung (đệ tử Hoa Sơn) và Nghi Lâm (đệ tử Hằng Sơn). Giết xong Phí Bân, tiên sinh đút kiếm vào đàn, ung dung ra đi, giọng đàn dao cầm lại ngân lên khúc tình tang Tiêu Tương Dạ Vũ.

Lần thứ 3 ông xuất hiện trên sông Trường Giang, khuyên Lệnh Hồ Xung đi cứu Doanh Doanh khiến Thiếu Lâm tự bị tấn công, dẫn đến một trường ác đấu của các tuyệt đại cao thủ đương thời trên ngọn Thiếu Thất.

Lần thứ 4 ông xuất hiện, Tả Lãnh Thiền thân bại danh liệt, bị mù 2 mắt trên Tung Sơn.

Lần thứ 5 ông xuất hiện, hậu động Hoa Sơn thây chất ngổn ngang, chôn vùi Ngũ Nhạc Phái.

Mạc Đại tiên sinh là một nhân vật đặc sắc của Kim Dung.

Mạc Đại tiên sinh là một nhân vật đặc sắc của Kim Dung, cho dù ông xuất hiện không nhiều trong tác phẩm. Người ta có thể nhìn thấy nơi con người ông những nét u uất, những cam chịu không biết tỏ cùng ai. Xuyên suốt tác phẩm, qua những lần hiếm hoi ông xuất hiện, lúc nào cũng là một vẻ bi thương, ai não. Tiếng hồ cầm trong đêm mưa bên bến Tiêu Tương đưa đẩy bóng dáng gầy gộc của môt lão ăn mày cô khổ, không ai tin đó lại là chưởng môn nhân của một đại môn phái trên giang hồ.

Là một cao thủ kiếm thuật, Mạc Đại tiên sinh đã không tránh khỏi kết cục của việc ham mê tìm kiếm các bí kíp thất truyền. Dù không ham mê tranh đoạt Tịch tà kiếm phổ như Nhạc Bất Quần và Tả Lãnh Thiền, nhưng ông vẫn bị mắc lừa Nhạc Bất Quần, lên hậu động Hoa Sơn xem đồ hình các bí kíp của môn phái Hành Sơn (từng bị thất truyền) khắc trên vách động. Ông cùng đám đông các cao thủ Ngũ Nhạc phái trong động đã rơi vào bẫy của Tả Lãnh Thiền, bịt kín động, lợi dụng bóng đêm để sát hại tất cả. Chỉ có Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh nhờ biết nhanh trí nên thoát chết và đánh bại Tả Lãnh Thiền nhờ ánh sáng của lân quang trên khúc xương người. Khi thoát nạn, hai người đã tìm thấy xác của Mạc Đại bị chết cùng đám người hỗn loạn. (Trong phiên bản sửa đổi, Kim Dung lại để cho Mạc Đại không chết mà còn chúc mừng đôi vợ chồng Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh qua tiếng hồ cầm đầy bí ẩn).

Video: Lệnh Hồ Xung và Mạc Đại Tiên Sinh.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-nhan-vat-quai-di-nhat-tieu-ngao-giang-ho-a438812.html