Kiếm hiệp Kim Dung: Phong Thanh Dương - nhân vật quái dị được yêu mến nhất Tiếu ngạo giang hồ

Tiếu ngạo giang hồ là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất của cố nhà văn Kim Dung, tác phẩm có một hệ thống nhân vật phong phú với nhiều nhân vật điển hình. Trong đó, ngoài nhân vật chính Lệnh Hồ Xung còn có những nhân vật quái dị lạ thường để lại nhiều ấn tượng cho người đọc.

Phong Thanh Dương

Phong Thanh Dương cao thủ của phái Hoa Sơn.

Phong Thanh Dương là nhân vật quái dị được người đọc yêu mến nhất trong Tiếu ngạo giang hồ. Cố nhà văn Kim Dung mô tả Phong Thanh Dương mình gầy như con hạc, sắc mặt điêu linh tiều tụy, chỉ xuất hiện một lần mà danh tiếng của ông đã làm quần hùng chấn động.

Phong Thanh Dương là sư thúc của Nhạc Bất Quần, trưởng môn phái Hoa Sơn. Phong Thanh Dương là đại biểu của phe kiếm tông (lấy kiếm làm chủ) trong khi Nhạc Bất Quần là đại biểu của phe khí tông (lấy nội công làm chủ).

Chính Phong Thanh Dương đã mắng Nhạc Bất Quần là kẻ xuẩn tài (có tài mà ngu), biến những kẻ tài năng như đệ tử Lệnh Hồ Xung thành ra ngựa gỗ, trâu đá. Phong Thanh Dương truyền thụ cho Lệnh Hồ Xung Độc cô cửu kiếm của Độc Cô Cầu Bại với một câu quyết duy nhất “sử kiếm liên miên bất tuyệt như nước chảy mây trôi, nghĩ đến đâu là kiếm tới đó để chiếm tiên cơ, đẩy kẻ địch vào thế phải thủ”.

Toàn bộ lý thuyết của Phong Thanh Dương là “lấy vô chiêu thắng hữu chiêu và lấy công làm thủ”. Lệnh Hồ Xung đã học được bài học quý giá đó từ thái sư thúc tổ, trở thành kẻ đối nghịch với sư phụ Nhạc Bất Quần, hạ Nhạc Bất Quần và môn Tịch tà kiếm phổ của họ Lâm, trở thành kiếm sĩ đệ nhất giang hồ.

Mạc Đại tiên sinh

Mạc Đại tiên sinh.

Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh cũng một là nhân vật quái dị tiêu biểu trong Tiếu ngạo giang hồ. Thật ra ông họ Mạc hay họ Mạc Đại thì Kim Dung cũng không nói rõ. Ông được giang hồ nhắc đến với cái tên Mạc Đại tiên sinh. Ông nổi tiếng giang hồ với bản nhạc Tiêu Tương Dạ Vũ nghĩa là "Đêm mưa bên bến Tiêu Tương".

Thân danh là chưởng môn của phái Hành Sơn, Mạc Đại luôn luôn ăn mặc rách rưới như một gã Cái bang, chơi một cây dao cầm (hồ cầm) cũ kỹ và miệng luôn hát bài Tiêu Tương Dạ Vũ. Thế nhưng, trong đáy cây dao cầm của tiên sinh có giấu một cây kiếm lưỡi mỏng như lá lúa, rất lợi hại. Mạc Đại được xưng tụng là "cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm" (trong đàn có giấu một cây kiếm, và khi múa kiếm thì lại phát ra tiếng đàn).

Khi tiên sinh rút kiếm ra khỏi cây đàn, vận công vào thân cây kiếm khiến kiếm khí phóng ra veo véo nơi đầu mũi. Với "Hành Sơn vân tụ thập tam thức", chưa có một đối thủ nào thoát khỏi tay Mạc Đại tiên sinh.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Mạc Đại chỉ xuất hiện không quá mười trang sách nhưng đã gây được ấn tượng mạnh mẽ và chiếm được cảm tình nồng thắm nơi người đọc. Ông rất ít khi xuất hiện trên giang hồ, tuy nhiên những lúc ông xuất hiện, giang hồ ắt đổ máu. Lần thứ nhất ông xuất hiện trong tửu quán dưới chân núi Hành Sơn, bất ngờ rút kiếm chém đứt tiện 7 chiếc trà trên bàn mà những giang hồ hảo thủ ngồi quanh không thể hiểu được tiên sinh đã rút kiếm ra và thu kiếm về lúc nào. Cũng trong lần đó sư đệ của ông là Lưu Chính Phong thân tàn danh liệt, tan cửa nát nhà.

Lần thứ 2 Mạc Đại Tiên sinh hiện ra đúng lúc, múa kiếm giết chết Đại tung dương thủ Phí Bân của phái Thái Sơn để cứu sư đệ của mình là Lưu Chính Phong cùng Khúc Dương (trưởng lão Ma giáo), Khúc Phi Yên (con gái của Khúc Dương), Lệnh Hồ Xung (đệ tử Hoa Sơn) và Nghi Lâm (đệ tử Hằng Sơn). Giết xong Phí Bân, tiên sinh đút kiếm vào đàn, ung dung ra đi, giọng đàn dao cầm lại ngân lên khúc tình tang Tiêu Tương Dạ Vũ.

Lần thứ 3 ông xuất hiện trên sông Trường Giang, khuyên Lệnh Hồ Xung đi cứu Doanh Doanh khiến Thiếu Lâm tự bị tấn công, dẫn đến một trường ác đấu của các tuyệt đại cao thủ đương thời trên ngọn Thiếu Thất.

Lần thứ 4 ông xuất hiện, Tả Lãnh Thiền thân bại danh liệt, bị mù 2 mắt trên Tung Sơn.

Lần thứ 5 ông xuất hiện, hậu động Hoa Sơn thây chất ngổn ngang, chôn vùi Ngũ Nhạc Phái.

Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ

Bình Nhất Chỉ trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001.

Bình Nhất Chỉ được người trên giang hồ biết đến như một bậc danh y kỳ tài, không có căn bệnh nào qua tay ông mà không được chữa khỏi, do chỉ dùng một ngón tay để bắt mạch nên gọi Nhất Chỉ. Nhưng thật kỳ dị là mỗi khi đồng ý cứu một mạng người thì Bình Nhất Chỉ lại yêu cầu kẻ chịu ơn hoặc anh em người đó phải giúp mình diệt một mạng người khác. Do tính tình quái gở này nên võ lâm đã truyền tụng Bình Nhất Chỉ bằng ngoại hiệu Sát nhân danh y.

Trong một lần Đào Thực Tiên trong nhóm Đào Cốc Lục Tiên bị trọng thương, bọn ngũ tiên bèn khiêng đến cho Bình Nhất Chỉ chữa nhưng miệng vẫn nói thiên hô bách sát. Bình Nhất Chỉ quát một tiếng im là năm lão im ngay bởi vì nếu không im, Bình Nhất Chỉ sẽ buộc bọn Đào Cốc Lục Tiên giết tên Đào Thực Tiên.

Trong một lần khác, để cứu Lệnh Hồ Xung bị thương, 6 người trong nhóm Đào Cốc Lục Tiên đã cãi nhau, không ai chịu nghe ai, nên cả 6 người cùng truyền 6 luồng chân khí vào người Lệnh Hồ Xung, gây xung đột làm Lệnh Hồ Xung mất hết sức lực, bị thương suýt chết. Lệnh Hồ Xung sau đó gặp Nghi Lâm và cha cô là Bất Giới Đại Sư, Bất Giới sau đó cũng đã truyền 2 luồng chân khí của ông vào để chế ngự 6 luồng chân khí của Đào Cốc Lục Tiên nhưng cũng không khống chế được bao nhiêu. Thánh cô Nhậm Doanh Doanh yêu cầu, Bình Nhất Chỉ đã hết sức cứu mạng Lệnh Hồ Xung nhưng không thành, cũng qua đó rất khâm phục hào khí của Lệnh Hồ Xung.

Khi Bình Nhất Chỉ thú nhận rằng không thể chữa thương cho chàng được. Bọn Đào Cốc Lục Tiên bèn trả thù, đặt ra câu hỏi: "Cứu một người thì giết một người. Nay không cứu được người thì giết ai?" Chính cái luận lý học hình thức của bọn lục tiên đã khiến Bình Nhất Chỉ tự suy nghĩ và cuối cùng, tự vận kinh mạch cho đứt, chết đi để xứng với ngoại hiệu Sát nhân danh y.

Giang Nam tứ hữu

Giang Nam tứ hữu là một nhóm gồm bốn nhân vật kết nghĩa anh em của Nhật Nguyệt thần giáo sống ở Cô Mai sơn trang bên cạnh Tây Hồ ở thành Tô Châu, gồm có Hoàng Chung Công, Đan Thanh tiên sinh, Ngốc Bút Ông và Hắc Bạch Tử, đều là những người tài hoa, mê cầm kỳ thi họa, có võ công trác tuyệt, có nhiệm vụ canh giữ Nhậm Ngã Hành đang bị nhốt dưới hắc lao.

Lệnh Hồ Xung (Lý Á Bằng).

Hướng Vấn Thiên vì muốn cứu chủ nên đã sử dụng kiếm pháp Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung để đấu với họ, và lợi dụng sự si mê cầm kỳ thi họa đến quá mức của bốn người để nhân cơ hội cứu chủ.

Rời khỏi ngục tối, Nhậm Ngã Hành cùng Hướng Vấn Thiên ra sức gây dựng lại thế lực. Khi Nhậm Ngã Hành quay lại cứu Lệnh Hồ Xung, lúc đó Hắc Bạch Tử bị tàn phế vì bị Lệnh Hồ Xung dùng Hấp tinh đại pháp hút mất nội lực, Ngốc Bút Ông cùng Đan Thanh tiên sinh đành uống "Tam thi não thần đan" để theo phục vụ Nhậm Ngã Hành, Hoàng Chung Công tự sát.

Hoàng Chung Công là đại ca của Giang Nam tứ hữu. Vào thời điểm Hoàng Chung Công gặp Lệnh Hồ Xung, ông ta chừng 60-70 tuổi, hình dáng gầy gò, quắc thước. Hoàng Chung Công mê chơi đàn cầm và có nội công thâm hậu. Hoàng Chung Công sử dụng tiếng đàn để tấn công địch thủ bằng cách đưa nội công thâm hậu vào tiếng đàn với tuyệt kỹ "Thất huyền vô hình kiếm". Hoàng Chung Công bị thất bại dưới tay Lệnh Hồ Xung vì anh chàng này không còn nội lực để cảm ứng với tiếng đàn.

Hắc Bạch Tử là người thứ hai trong Cô Mai sơn trang, là người mê đánh cờ vây. Võ công của Hắc Bạch Tử cũng dựa trên các nước cờ, binh khí là một bàn cờ đúc bằng thép, có pha đá nam châm để hút các binh khí bằng sắt. Hắc Bạch Tử còn có công phu "Huyền thiên chỉ" có khả năng làm đông nước bằng nội lực.

Ngốc Bút Ông là em thứ ba trong bốn anh em kết nghĩa, mê viết thư pháp, sử dụng vũ khí là cây bút phán quan dài một thước sáu tấc đúc bằng thép nguyên chất, ở đầu bút có buộc một túm lông cừu có bôi một loại mực bằng mười mấy chất dược liệu đặc biệt, đã quệt vào người là vĩnh viễn rửa không sạch mài cũng không đi vì vết mực ăn sâu vào da.

Các chiêu số võ công của Ngốc Bút Ông cũng bay bướm theo kiểu thư pháp và một trong những bút pháp nổi tiếng của Ngốc Bút Ông là "Bùi tướng quân thi", tuy nhiên chiêu số của ông phần lớn chỉ có đẹp mắt chứ khi đánh nhau không mấy hiệu quả, dễ dàng bị Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung đánh bại.

Đan Thanh tiên sinh là người anh em thứ tư trong Giang Nam tứ hữu, mê vẽ tranh, kiếm pháp và đặc biệt thích uống rượu do đó rất hợp tính cách của Lệnh Hồ Xung.

Video: Trích đoạn hay trong Tiếu ngạo giang hồ.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-phong-thanh-duong-nhan-vat-quai-di-duoc-yeu-men-nhat-tieu-ngao-giang-ho-a455241.html