Kiểm soát các trạm thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng

Liên tục nhiều tháng nay, tình trạng các hộ dân tự ý san ủi mặt bằng, lập trạm cân tải trọng trái phép thu mua lâm sản (keo, tràm) tại xã Hồng Hạ (A Lưới) đã bị chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động. UBND xã Hồng Hạ đề xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban cấp huyện với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo các thủ tục quy định khi cấp giấy chứng nhận cho các hộ kinh doanh trên địa bàn.

Điểm thu mua keo tràm vừa san ủi, cải tạo đất trái phép tại thôn A Rom, xã Hồng Hạ

Những ngày qua, tại khu đất ở thôn A Rom (Hồng Hạ, A Lưới), một hộ dân đã tiến hành san ủi, đào đắp nền và xây dựng một số công trình phụ trái phép để chuẩn bị xây dựng điểm thu mua keo tràm có trạm cân. Tại hiện trường khu đất khoảng 500m2, hộ dân này đã hoàn thiện xong một căn nhà và bố trí xe múc, xe tải và rải đá cấp phối cho nền móng ở đây. Hoạt động xây dựng diễn ra cấp tập ở đây, cả khi vào ban đêm.

Trong quá trình cải tạo khu đất, một khối lượng đất san lấp lớn đã bị chở đi ra khỏi khu vực lập trạm cân keo, tràm. Đặc biệt, ghi nhận của PV, vị trí trạm cân này nằm trong khu vực đường liên thôn, dẫn vào khu tái định cư của xã với nền đường bằng bê tông xi măng khoảng 3,5m, nếu trạm cân đi vào hoạt động sẽ gây xung đột giao thông từ tuyến đường này khi dẫn ra Quốc lộ 49 với nhiều phương tiện vận tải lớn lưu thông.

Nhận được phản ánh của người dân, UBND xã Hồng Hạ cùng các phòng, ban của huyện A Lưới đã có buổi làm việc với chủ hộ đăng ký kinh doanh là ông Nguyễn Thái Pháp (thôn Phú Thành, xã Phú Vinh, huyện A Lưới) - người cải tạo đất, xây dựng các công trình nói trên và tiến hành đình chỉ việc xây dựng tại đây.

Theo biên bản làm việc, tại thửa đất số 55 tờ bản đồ số 33 ở thôn A Rom, xã Hồng Hạ, có diện tích hơn 2.668m2, với mục đích sử dụng đất đất ở tại nông thôn là 500m2; đất trồng cây lâu năm 2.168m2, tên người sử dụng đất là ông Nguyễn Thái Pháp và bà Phan Thị Tường Nga, đang tiến hành xây dựng cơ sở thu mua keo tràm có gắn trạm cân. Chủ hộ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp ngày 12/7/2023.

Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết, qua kiểm tra của cơ quan chức năng, điểm kinh doanh có gắn trạm cân đang xây dựng trái phép thuộc khu vực đất ở và đất đất trồng cây lâu năm, không phải đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Trên cơ sở đó, chính quyền yêu cầu chủ hộ nếu muốn mở trạm cân đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Ngoài ra, khi san lấp mặt bằng chủ hộ chưa có đơn xin phép chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có thẩm quyền. Qua kiểm tra cho thấy, giấy đăng ký môi trường của điểm kinh doanh còn sơ sài, đề nghị bổ sung, đối với khuôn viên của cơ sở cần bổ sung trồng cây xanh, nơi xử lý rác thải, nơi ở cho công nhân cần có nhà vệ sinh tự hoại, hệ thống nước thải, có biện pháp xử lý bụi khi trời nắng và bùn đất rơi vãi trơn trượt khi trời mưa.

“UBND xã đã đề nghị hộ gia đình khi mở trạm cân thu mua keo, tràm phải liên hệ với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện A Lưới để hướng dẫn cấp phép đặt trạm cân và cấp phép đấu nối với giao thông đường chính. Xã cũng tiến hành đình chỉ hoạt động xây dựng. Khi hộ gia đình chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, yêu cầu trạm cân không được hoạt động”, ông Hồ Viết Lương cho biết thêm.

Trước đó, UBND xã Hồng Hạ cũng tiến hành đình chỉ một điểm thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng khi đang tiến hành xây dựng tại thôn A Ron. Sau đó, xã đã báo cáo UBND huyện A Lưới, đề xuất thành lập đoàn liên ngành kiểm tra và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cơ sở này.

Theo ông Hồ Viết Lương, hiện trên địa bàn xã Hồng Hạ có diện tích gỗ rừng trồng (keo, tràm) hơn 1.000ha, là loại cây chủ lực kinh tế tại địa phương. Từ khi hình thành hộ kinh doanh thu mua keo tràm, việc thu mua gỗ rừng trồng trên địa bàn diễn ra thuận lợi, giảm chi phí cước vận chuyển, tạo việc làm thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, các hộ kinh doanh chủ yếu đấu nối với Quốc lộ 49, lưu lượng phương tiện ra vào các điểm thu mua gia tăng, nên nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Việc thu mua, vận chuyển keo tràm đã tác động xấu đến môi trường, nhất là vào mùa mưa. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh nếu được cấp phép nằm liền kề nhau, không đảm bảo khoảng cách nên nguy cơ mất an ninh trật tự, mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các hộ kinh doanh là rất cao.

Trong khi đó, việc phối hợp giữa các phòng, ban cấp huyện với UBND xã Hồng Hạ trong việc đảm bảo thu tục theo quy định khi cấp phép giấy chứng nhận cho hộ kinh doanh chưa được thực hiện đồng bộ. Việc xây dựng các trạm thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng chủ yếu tận dụng đất ở nông thôn (định mức được cấp là 500m2/hộ), chưa có quy hoạch đất thương mại, dịch vụ theo quy định nên vướng về quy hoạch khi hộ dân đầu tư xây dựng trạm cân.

Ông Hồ Viết Lương cho biết, từ những bất cập đó, chính quyền xã đã đề xuất UBND huyện A Lưới chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện - đơn vị được UBND huyện giao cấp phép giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể, trước khi cấp phép giấy chứng nhận kinh doanh liên quan đến thu mua keo, tràm cần phối hợp chặt chẽ với một số phòng, ban liên quan và UBND xã tiến hành kiểm tra, thẩm định các điều kiện để hình thành trạm cân theo quy định.

Theo thống kê của UBND huyện A Lưới, hiện trên địa bàn huyện có 14 điểm thu mua keo tràm có lắp trạm cân tải trọng có đăng ký kinh doanh ngành nghề thu mua keo, tràm. Đa số các trạm cân hoạt động trên đất ở và đất trồng cây lâu năm gắn liền đất ở (đất vườn nhà) của người dân, các hộ kinh doanh cá thể để thu mua nguyên liệu là keo tràm trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ban-doc/kiem-soat-cac-tram-thu-mua-keo-tram-co-gan-can-tai-trong-130790.html