Kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy

Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe.

6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch lái xe ô tô

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tại phiên chất vấn tư lệnh ngành Giao thông Vận tải, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội quan tâm đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông. Theo đó, các Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái xe ô tô phân bố ở 63 tỉnh, thành phố; 154 Trung tâm sát hạch lái xe ô tô, phân bố tại 57 tỉnh, thành phố; hiện còn 6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch gồm: Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn và Vĩnh Long.

 Phiên họp Quốc hội ngày 8/6.

Phiên họp Quốc hội ngày 8/6.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của một số Đại biểu Quốc hội, thời gian vừa qua, dư luận xã hội có phản ánh đây là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, có nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn nhưng một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.

Đặc biệt, có hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực về việc khai thác dữ liệu DAT để quản lý công tác đào tạo; kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế; xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống DAT; sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết.

Còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) cho biết, thời gian qua, tại một số địa phương, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe còn những hạn chế như: Đào tạo vượt số lượng được cấp phép, công tác kiểm tra, giám sát có nơi chưa thực hiện, công tác giám sát học và thi sát hạch còn hình thức, còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi, không đủ sức khỏe. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để chấm dứt tồn tại trên nhằm nâng cao chất lượng công tác này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Cùng quan tâm nội dung này, Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) chỉ ra rằng, qua kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe Bộ Giao thông Vận tải đã tìm ra được những nguyên nhân trong việc tiêu cực cũng như những bất cập, vướng mắc trong thực thi pháp luật đào tạo lái xe cho các cơ sở đào tạo và học viên.

Đồng thời, Đại biểu cho rằng, điều này cũng rất lãng phí về nguồn lực và thời gian của xã hội, khó để thực hiện chủ trương chuyển đổi số hiện nay. Đó là quy định về dạy lý thuyết theo kiểu truyền thống thì học viên phải tập trung đến lớp, điểm danh, việc dạy học thì phải diễn ra trên lớp với 8 giờ và kéo dài 21 ngày không còn phù hợp với đại đa số người học. Và điều này đi ngược với yêu cầu thực tiễn, xu hướng cũng như thành quả của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ và việc đào tạo.

Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) tham gia chất vấn.

Đại biểu phân tích, sát hạch lái xe thì bản chất cũng là một hoạt động nghề nghiệp và theo quy định của Điều 3 Luật Giáo dục nghề nghiệp thì có hình thức đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên. Hiện nay, giữa 2 luật này chưa có một sự thống nhất. Luật Giáo dục nghề nghiệp thì cho đào tạo thường xuyên và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì lại đào tạo theo hình thức chính quy. Đây là một bất cập rất lớn và trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đã trình Quốc hội cho ý kiến Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 6, trong đó có nêu về tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách hành chính về đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng sẽ có những rà soát sau khi luật có hiệu lực. Đồng thời có biện pháp gì để đảm bảo không gây khó khăn cho cử tri và người dân trong thực tiễn?

Chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người không đủ năng lực hành vi

Trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hôịvề nội dung liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nghiêm túc ghi nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, vừa qua, khi Bộ Giao thông Vận tải thực hiện việc thanh tra toàn diện về công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trong 63 tỉnh, thành. Vấn đề liên quan đến chất lượng trong đào tạo, tổ chức cuộc thi, kể cả thi lý thuyết và thi sát hạch, việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho những người nghiện, những người không đủ hành vi, khi phát hiện ra việc này Thanh tra Bộ đã chỉ đạo xử lý nghiêm và đã chuyển 6 bộ hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương chỉ đạo sửa đổi các thông tư và siết chặt quản lý để trong thời gian tới không để xảy ra tình trạng đào tạo, cấp bằng cho các đối tượng nghiện. Các nội dung này về phía Bộ đã có giải pháp, được thể hiện hết sức cụ thể từ những văn bản chỉ đạo, đặc biệt là thông tư hướng dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Bộ đã chỉ đạo tất cả các Sở Giao thông Vận tải ở các địa phương phải tập trung vào lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý nghiêm, bởi vì hiện nay công tác sát hạch, đào tạo và cấp giấy phép lái xe cũng như thanh tra, kiểm tra đã phân cấp, phân quyền toàn bộ xuống cho địa phương. Tuy nhiên, là cơ quan chịu trách nhiệm chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ cũng sẽ tiếp tục chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và tạo điều kiện cho các địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như kiểm soát về vấn đề này.

Đồng thời, để nâng cao chất lượng thanh tra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần phải tách bạch chức năng quản lý với chức năng cung cấp dịch vụ. Đảm bảo đã là cán bộ, công chức thì phải tập trung vào chức năng quản lý nhà nước.

Về giải pháp dài hạn, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023.

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kiem-soat-chat-che-cham-dut-tinh-trang-cap-giay-phep-lai-xe-cho-nguoi-nghien-ma-tuy-post250885.html