Kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn cỏ kế đồng xâm nhập vào Việt Nam

Ngày 17-10, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì liên quan đến cỏ kế đồng.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết: Từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn lúa mì. Tuy nhiên, từ tháng 5-2018, phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu bị nhiễm cỏ kế đồng.

Ông Hoàng Trung khẳng định: Lúa mì bị nhiễm cỏ kế đồng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người như đồn đoán trước đó. Tuy nhiên, cỏ kế đồng là đối tượng kiểm dịch thuộc nhóm 1 của Việt Nam; nếu loại cỏ này xâm nhập vào Việt Nam sẽ gây tác hại cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng rất lớn tới việc xuất khẩu nông sản vào thị trường nhiều nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

 Quang cảnh cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Tiến sĩ Dương Minh Tú, Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật ( Cục BVTV) cho biết: Xuất xứ cỏ kế đồng (Cirsium arvanse) là từ Châu Âu, vùng Địa Trung Hải, sau đó lây lan sang các nước khu vực Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico) và một số quốc gia khác (Châu Phi, Châu Á) qua đường nhập khẩu. Nhiệt độ sống thấp nhất của cỏ kế đồng là -30 độ C, cao nhất 40 độ C... Cỏ kế đồng cạnh tranh với cây trồng do bộ rễ và căn hành (căn hành là thân bò dài dưới mặt đất có nhiều rễ ở các đoạn và cỏ chồi ngọn) rất phát triển. Tốc độ sinh trưởng của của cỏ kế đồng rất mạnh; chúng xâm hại, xâm lấn gây ảnh hưởng đến cây trồng và sản xuất nhiều loại cây trồng như đậu tương, bông, lúa mì, ngô...; nằm trong danh sách 33 loại cỏ dại nguy hiểm ở Bắc Mỹ.

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết thêm: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thì cỏ kế đồng được xem là loài cỏ xâm hại nhất trên trái đất, mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, hiện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã xếp loại cỏ này là đối tượng kiểm dịch thực vật phải kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn nguy cơ loài này xâm nhập vào theo đường nông sản hàng hóa nhập khẩu. Riêng Mỹ đã quy định một luật cấm các sản phẩm nông sản bị nhiễm cỏ kế đồng từ nước ngoài.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Hoàng Trung nhấn mạnh: Trong thời gian qua, để giám sát chặt chẽ quy trình xử lý các lô lúa mì của doanh nghiệp, Cục BVTV đã phải cử cán bộ từ cảng về đến nhà máy sản xuất, chế biến để xử lý nhiệt tiêu diệt cỏ kế đồng, tránh lây lan ra bên ngoài. Tuy nhiên cách giám sát này không thể kéo dài. Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung khẳng định việc tái xuất các lô hàng bị nhiễm cỏ kế đồng là yêu cầu bắt buộc, theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp với tinh thần cầu thị tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, Cục BVTV tạm thời chưa áp dụng biện pháp tái xuất từ ngày 1-11-2018. Đồng thời, Cục BVTV sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đàm phán với các nước xuất khẩu lúa mì, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu lúa mì bị nhiễm cỏ kế đồng để tìm giải pháp kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả. Tuy nhiên, nếu giải pháp này không đáp ứng được yêu cầu, Cục sẽ buộc các doanh nghiệp nhập khẩu phải tái xuất các lô lúa mì trong thời gian tới, thậm chí tạm ngưng hoặc kiến nghị cấm nhập khẩu lúa mì bị nhiễm cỏ kế đồng. Đối với biện pháp buộc tái xuất sẽ thông báo trước cho các doanh nghiệp nhập khẩu 1 tháng.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/kiem-soat-chat-che-de-ngan-chan-co-ke-dong-xam-nhap-vao-viet-nam-552204