Kiểm soát chất lượng nước uống đóng bình

Mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nước uống đóng chai, đóng bình, song mặt hàng này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP). Ngành y tế đang triển khai các biện pháp để quản lý chặt chẽ chất lượng nước đóng bình.

Theo Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ, hiện thành phố có 416 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình. Hằng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến quận, huyện, thị xã đều tiến hành thanh kiểm tra tất cả các cơ sở. Điều kiện bảo đảm ATTP cho một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình là cơ sở vật chất phải theo quy trình khép kín, một chiều, hệ thống lọc phải loại bỏ được toàn bộ vi khuẩn và kim loại nặng không cần thiết trong nước. Ngoài ra, công nhân tham gia vào quy trình sản xuất phải bảo đảm sức khỏe, kiến thức và tuân thủ các điều kiện, quy định về ATTP. Cùng với đó, cơ sở phải luôn vận hành quy trình nguồn nước, quy trình hệ thống lọc tuân thủ dung lượng nhất định theo quy định của nhà sản xuất của thiết bị đó.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, nhiều cơ sở chưa đáp ứng các quy định. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 416 cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Qua đó, 44 cơ sở bị dừng hoạt động, đóng cửa, 98 cơ sở vi phạm và bảy cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 72 cơ sở bị phạt với số tiền hơn 226 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, nhãn sản phẩm không đúng quy định, không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn… Theo ông Tụ, công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều khó khăn do nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư cho nên khó phát hiện. Hoặc khi cơ sở ngừng hoạt động lại không báo cho cơ quan quản lý, thậm chí nhiều cơ sở đang xây dựng chưa có giấy phép, nhưng vẫn sản xuất thử mà không báo cáo. Do vậy, ông Tụ đề xuất cần phải phối hợp đến tận thôn, xóm, tổ dân phố để nắm bắt tình hình các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Chỉ ra nguyên nhân khiến một số nhỏ cơ sở sản xuất nước đóng bình chưa bảo đảm ATTP, bà Hà Thu Hương (Thanh tra Sở Y tế) cho biết, một phần do chưa có quy định rõ ràng về quy trình khép kín, hay diện tích tối thiểu trong khu vực sản xuất bao nhiêu là đủ. Chính vì thế mà các cơ sở nhỏ lẻ bố trí thiết kế một cách tự phát. Công đoạn vệ sinh bình và nắp tái sử dụng cũng chưa có quy định phương pháp cũng như hóa chất xử lý. Chính vì vậy, Hà Nội đã phải tập huấn đến từng cơ sở về việc tái sử dụng bình, khuyến cáo không sử dụng lại vòi ở bình cũ...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng, nhất là phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý ATTP nước đóng bình. Ngoài việc tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm, đồng thời kiểm tra lại xem cơ sở khắc phục sai phạm đến đâu. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường của bất kỳ đơn vị sản xuất nước đóng bình nào, sau đó công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân. Với những cơ sở không đủ điều kiện yêu cầu đóng cửa, không cho sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, một số doanh nghiệp tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất, loại bỏ khỏi dây chuyền sản xuất một số thiết bị trong công nghệ hoặc sử dụng bình không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, thị trường đã và đang xuất hiện nhiều sản phẩm giả, nhái một số thương hiệu lớn. Cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra rất nhiều, nhưng cần chú trọng hơn đến các cơ sở sản xuất lấy thương hiệu gần giống với các thương hiệu nổi tiếng để qua mắt người tiêu dùng, nhất là khi phát hiện hàng giả, hàng nhái phải truy xuất tận gốc để xử lý. Hơn nữa, cần đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối. Đối với các cơ quan chức năng, nâng cao vai trò trách nhiệm, nắm chắc những quy định để thực hiện quản lý trên địa bàn và hướng dẫn các cơ sở thực hiện.

Đặng Thị Thanh Quyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và vệ sinh ATTP, Trường đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp

Hiện nay, một số doanh nghiệp tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất, loại bỏ khỏi dây chuyền sản xuất một số thiết bị trong công nghệ hoặc sử dụng bình không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, thị trường đã và đang xuất hiện nhiều sản phẩm giả, nhái một số thương hiệu lớn. Cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra rất nhiều, nhưng cần chú trọng hơn đến các cơ sở sản xuất lấy thương hiệu gần giống với các thương hiệu nổi tiếng để qua mắt người tiêu dùng, nhất là khi phát hiện hàng giả, hàng nhái phải truy xuất tận gốc để xử lý. Hơn nữa, cần đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối. Đối với các cơ quan chức năng, nâng cao vai trò trách nhiệm, nắm chắc những quy định để thực hiện quản lý trên địa bàn và hướng dẫn các cơ sở thực hiện.

Đặng Thị Thanh Quyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và vệ sinh ATTP, Trường đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp

Nhật Hoàng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37856802-kiem-soat-chat-luong-nuoc-uong-dong-binh.html