Kiểm soát chặt tình trạng buôn lậu, vi phạm an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Càng về cuối năm, nhiều chuyến hàng lậu được chủ hàng 'chơi tất tay' hay nhiều loại hàng hóa như thực phẩm bẩn, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được tuồn ra thị trường bán người tiêu dùng…

Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Thương mại Onefood Việt Nam

Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Thương mại Onefood Việt Nam

Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý chung này, Công an thành phố Hà Nội cũng như các lực lượng chức năng của thành phố đã từng bước triển khai kế hoạch “chặn đánh”, bắt giữ nhiều thương vụ, lô hàng hóa, thực phẩm… nhập lậu một cách có hiệu quả.

“Lên dây cót” thời điểm vàng

Theo tài liệu của cơ quan điều tra Công an huyện (CAH) Mê Linh, khoảng đầu tháng 10-2019, qua công tác trinh sát, nắm tình hình địa bàn, CAH Mê Linh phát hiện một số đối tượng hoạt động buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất nhập lậu vào nội địa, trong số đó nổi lên Lê Văn Cường (sinh năm 1979, ở thôn Hoàng Kim, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, TP Hà Nội).

Quá trình theo dõi, các trinh sát phát hiện các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi địa điểm, thời gian giao nhận hàng và luôn cảnh giác cao. Xác định đây là đường dây buôn bán thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất nhập lậu có quy mô lớn, tập trung nhiều đối tượng trong và ngoài địa bàn hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Ban chỉ huy CAH Mê Linh đã chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh với đối tượng có hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với các đối tượng này.

Đến 16h40 phút ngày 14-11, Đội Cảnh sát kinh tế CAH Mê Linh tổ chức mật phục, bắt quả tang các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Quỳnh (sinh năm 1966, ở thôn Quán Hô, xã Hoàng Đông, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cùng Lê Văn Cường; Hoàng Ngọc Anh (SN 1990, ở thôn Đại Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Lê Văn Vũ (sinh năm 1983, em trai của Cường, là lái xe) đang có hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu, nhãn hiệu BLEND NO 555 GOLD, do nước ngoài sản xuất.

Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ 1.932 cây thuốc lá điếu 555 (tương đương với 19.320 bao thuốc lá điếu) nhãn hiệu BLEND No 555 GOLD do nước ngoài sản xuất, không hóa đơn chứng từ, không tem nhập khẩu; 1 xe ô tô hiệu Mercedes, BKS: 30P - 6705, do Lê Văn Cường điều khiển; 1 xe ô tô tải, nhãn hiệu KIA K3000S, mang BKS: 88C - 032.32 do Lê Văn Vũ điều khiển.

Qua điều tra ban đầu, CAH Mê Linh xác định, Nguyễn Thị Quỳnh, Lê Văn Cường, Hoàng Ngọc Anh đã có hành vi buôn bán 19.320 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh vào ngày 14/11/2019, có dấu hiệu phạm vào tội “Buôn bán hàng cấm” quy định tại khoản 3, Điều 190, Bộ luật hình sự.

Lực lượng chức năng phát hiện thu giữ số lượng lớn sữa hộp nhãn hiệu XO Royal Class 800g, thuốc chống say tàu xe và đường của Công ty TNHH Thương mại Onefood không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ

Trong một diễn biến khác, vào khoảng 10h ngày 13-11, tổ công tác đội Phòng chống tội phạm về Y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm (Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho hàng trong khu đô thị Thanh Hà (thuộc địa bàn xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) của Công ty TNHH Thương mại Onefood Việt Nam, do ông Jung Tae Geon (quốc tịch Hàn Quốc) là người đại diện pháp luật.

Tại kho hàng có diện tích hàng trăm mét vuông của công ty này, lực lượng chức năng ghi nhận đang tập kết nhiều mặt hàng nguyên liệu pha chế trà sữa, soda, nước giải khát các loại, đường, hóa mỹ phẩm (dầu gội đầu, mặt nạ dưỡng da, nước rửa bát…) gắn mác của Hàn Quốc.

Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện thu giữ số lượng lớn (3 xe ôtô) với hàng nghìn sản phẩm trong đó có những mặt hàng như: thuốc chống say tàu xe, sữa hộp XO Royal Class 800g… in trên bao bì, sản phẩm đều mang chữ Hàn Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty khi làm việc với lực lượng chức năng chưa xuất trình đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa này.

Còn mới đây nhất, chiều 20-11-2019, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ số 6, Q23, ngõ 136 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Bên ngoài địa chỉ này thể hiện là trụ sở Cty TNHH Vuvucorp.

Lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn sản phẩm quần áo có chữ Trung Quốc “lẫn” cùng các hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Luis Vuiton, Gucci... và nhiều nhãn mác, bao bì của những thương hiệu nổi tiếng này.

Cho đến ngày 23-11, tức ba ngày sau khi kiểm tra cơ sở thuộc công ty TNHH Vuvucorp, lực lượng chức năng vẫn chưa thể hoàn tất quá trình kiểm đếm số hàng hóa, bao bì, nhãn mác bị tạm giữ. Theo tìm hiểu của phóng viên ANTĐ, công ty TNHH Vuvucorp do ông Nguyễn Văn Vũ (SN 1990, quê quán Bắc Giang) làm Giám đốc, quản lý. Công ty này thuê ngôi nhà ở địa chỉ Q23, ngõ 136 phố Nguyễn An Ninh, với hợp đồng từ 1/3/2018, mức giá thể hiện 12 triệu đồng/ tháng.

Công an huyện Mê Linh triệt phá thành công chuyên án buôn lậu, thu giữ hàng chục nghìn cây thuốc lá ngoại nhập lậu

Luôn trong thế chủ động

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, chỉ huy Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết, với tính chất, mức độ vi phạm của các cá nhân liên quan, Đội QLTT số 1 sẽ củng cố hồ sơ đề xuất cấp cao hơn để đủ thẩm quyền xử lý đối với những sai phạ tại công ty TNHH Vuvucorp.

Còn theo hồ sơ mà Công an phường sở tại từng kiểm tra địa chỉ này ghi nhận, có 2 nam thanh niên cùng quê huyện Lục Nam, Bắc Giang, đăng ký tạm trú. Thời điểm kiểm tra, đại diện công ty TNHH Vuvucorp xuất trình được một số giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh, may mặc.

Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực tế hiện nay, không chỉ riêng dịp cuối năm mà hoạt động tội phạm, vi phạm về lĩnh vực môi trường diễn ra thường xuyên, liên tục. Dịp cuối năm, thị trường hàng hóa sôi động hơn và đây chính là lúc tình trạng gian lận thương mại gia tăng.

“Nắm được quy luật này, Phòng Cảnh sát môi trường ngoài việc thực hiện các chuyên đề, kế hoạch thường xuyên thì còn chủ động xây dựng kế hoạch để “lên dây cót”, tăng cường phối hợp tuần tra kiểm soát, sớm phát hiện, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm cũng như chống buôn lậu, gian lận thương mại”, Đại tá Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Số lượng lớn sản phẩm quần áo, tem nhãn, hóa đơn, phụ kiện... tại địa chỉ số 6, Q23, ngõ 136 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội của Công ty TNHH Vuvucorp bị niêm phong, tạm giữ

Cũng theo Đại tá Trần Anh Tuấn, để “đánh đúng, đánh trúng” hoạt động của tội phạm về môi trường và tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, Ban chỉ huy đơn vị đã luôn bám sát các kế hoạch của Công an thành phố, Bộ Công an và các cấp, ngành trong đó có sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Công an thành phố. Phòng Cảnh sát môi trường chỉ đạo, quán triệt từng cán bộ chiến sĩ của đơn vị luôn đi sâu, bám sát địa bàn, làm tốt công tác trinh sát. Mọi di biến động của các đối tượng luôn nằm trong “tầm ngắm” của các trinh sát.

Thượng tá Đỗ Sỹ Dũng, Phó trưởng CAH Mê Linh nhận định, từ nay đến cuối năm (Tết Nguyên đán Canh Tý 2020) là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quản lý của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta, hoặc hàng hóa đã được đưa vào trong nước từ trước rồi “găm” lại chờ thời cơ tung ra thị trường.

“Đây cũng là thời điểm "vàng" để các đối tượng buôn lậu chia nhỏ hàng hóa vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ, gian dối trong việc kê khai hàng hóa để buôn lậu… Từ những nhận định trên, đơn vị cũng xây dựng kế hoạch, đồng thời có những phối hợp các đơn vị chức năng của Công an thành phố, Bộ Công an nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020”, Thượng tá Đỗ Sỹ Dũng chia sẻ và cho biết thêm, CAH Mê Linh tiếp tục triển khai các kế hoạch, chuyên đề, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố và Công an thành phố kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu và an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện. Việc luôn chủ động không để xảy ra tình huống bất ngờ là yếu tố góp phần mọi thắng lợi trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại và an toàn thực phẩm dịp cuối năm.

Quang Trường

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/kiem-soat-chat-tinh-trang-buon-lau-vi-pham-an-toan-thuc-pham-dip-cuoi-nam/834038.antd