Kiểm soát đảm bảo cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm thịt lợn

Khánh Hòa tuy chưa xuất hiện dịch này nhưng để ngăn chặn dịch xâm nhiễm, các ngành chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp phòng tránh.

Lợn sau khi được giết mổ được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng đưa đi tiêu thụ. Ảnh minh họa: Công Thử - TTXVN

Lợn sau khi được giết mổ được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng đưa đi tiêu thụ. Ảnh minh họa: Công Thử - TTXVN

Trước thực trạng 17 tỉnh, thành công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Khánh Hòa tuy chưa xuất hiện dịch này nhưng để ngăn chặn dịch xâm nhiễm, các ngành chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp phòng tránh.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng đang xử lý bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn, xuất hiện tại một số địa phương.

Việc làm cần thiết ngay bây giờ không chỉ là tổ chức các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm như hiện nay, mà tỉnh Khánh Hòa cần điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không tuân thủ các quy định, nguyên tắc trong quá trình phòng chống dịch nhằm góp phần làm hạn chế tình trạng lây lan dịch trên địa bàn cũng như tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa nhận định nếu để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, thiệt hại cho ngành chăn nuôi sẽ là rất lớn.

Hiện tại, ghi nhận tại các địa điểm buôn bán thịt lợn, tình hình tiêu thụ giảm khoảng 40% so với thời gian trước đó.

Tại huyện Vạn Ninh, nếu như trước đây 19 cơ sở giết mổ lợn trên bàn huyện thực hiện giết mổ gần 100 con/ngày thì nay chỉ còn 60 con/ngày. Nguyên nhân của sự sụt giảm này vẫn là do tâm lý người tiêu dùng e ngại khi sử dụng thịt lợn.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Vạn Ninh cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi trên cả nước, trạm đã chỉ đạo cán bộ kiểm soát giết mổ thuộc trạm quản lý phối hợp với nhân viên thú y các xã, thị trấn có các cơ sở giết mổ tại địa phương thực hiện nghiêm quy trình, kỹ thuật trước, trong và sau khi giết mổ; báo cáo số lượng động vật, sản phẩm động vật kiểm soát được về trạm hàng ngày; kiểm tra kỹ các phương tiện vận chuyển động vật trước khi nhập vào cơ sở.

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ra chỉ thị yêu cầu các cơ quan, chính quyền cấp huyện tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách, nhằm ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh.

Tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo cấp huyện chỉ đạo cấp xã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định hiện hành.

Khi phát hiện lợn bị dịch bệnh phải quyết liệt xử lý, tiêu hủy, kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi theo đúng quy định.

Tuy nhiên, tại Khánh Hòa, bệnh lở mồm long móng đã diễn ra trên đàn lợn tại 8 hộ của 6 xã với 100 con, tổng trọng lượng 6.085 kg.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa đã tạm cấp 186 lít hóa chất Han Iodine 10% từ nguồn dự phòng chống dịch cho các địa phương.

Đồng thời, lực lượng thú y cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến các hộ nuôi, cơ sở chăn nuôi.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cũng đã cấp vắc xin triển khai tiêm phòng định kỳ đợt 1/2019 cho 51 xã khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, với 28.850 liều vắc xin dịch tả lợn, 32.975 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là bên cạnh sự chung tay góp sức của toàn xã hội để đẩy lùi các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thì vẫn có một số hộ dân tự ý vứt xác chết gia súc ra môi trường. Trước đó, trên địa bàn huyện Cam Lâm cũng xuất hiện hiện tượng 38 con lợn chết, bị vứt bừa bãi ra môi trường.

Theo kết luận của các cơ quan chuyên môn, số lợn chết này không bị dịch bệnh tả lợn châu Phi và cũng không phải lợn tại địa phương, mà là nơi khác mang đến vứt./.

Phan Sáu/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kiem-soat-dam-bao-cho-nguoi-tieu-dung-khi-su-dung-san-pham-thit-lon/115785.html