Kiểm soát dần dòng tiền vào bất động sản, chứng khoán

Sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán trong nước thời gian qua khiến tín dụng vào các lĩnh vực này tăng mạnh trở lại. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ 'nắn' dòng tiền đi đúng hướng, tập trung vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát tiền vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Tăng mạnh trở lại

Ngày 14/4, tại hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tín dụng quý 1/2021 tăng 2,93%. Tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát. Dư nợ đầu tư vào chứng khoán khoảng 45.300 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2020. Sau đợt tăng trưởng nóng vào các tháng cuối năm 2020, tín dụng vào chứng khoán thời điểm tháng 1/2021 giảm gần 10%. Tuy nhiên, từ tháng 2/2021, tín dụng vào chứng khoán tiếp tục tăng trở lại và hiện tại chỉ giảm so với cuối năm 2020 khoảng 1%.

Tín dụng vào dự án BOT, BT giao thông khoảng 108.000 tỷ đồng, giảm 0,7%. Tín dụng vào lĩnh vực phục vụ đời sống với 1,87 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 2%. Tín dụng vào bất động sản (BĐS) khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%.

“Đa số lĩnh vực có tăng trưởng tín dụng khá nhưng một số lĩnh vực tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân như tín dụng vào BĐS, vào trái phiếu doanh nghiệp. Sự sôi động của thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán trong nước thời gian qua có thể tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng”, ông Tuấn Anh cảnh báo.

Theo đại diện NHNN, trong những tháng đầu năm 2021, dịch COVID - 19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch; tiêu thụ sản phẩm nông sản ở một số địa phương vùng dịch gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng, từ đó tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng.

“Đến hết quý 1/2021, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng”, đại diện NHNN cho biết.

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các TCTD phải điều hành theo hướng mở rộng đi đôi với chất lượng, tăng trưởng theo đúng định hướng của NHNN, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, phòng ngừa rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, chênh lệch dòng tiền. Hoạt động tín dụng luôn đảm bảo khả năng chi trả cho người dân bất cứ khi nào, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro hệ thống.

“Cơ quan thanh tra giám sát chặt chẽ diễn biến tín dụng, cảnh báo kịp thời, ngăn ngừa rủi ro, thanh tra nếu cần thiết. Đảm bảo cho cả hệ thống TCTD an toàn, thực hiện vai trò trung gian tài chính cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn, phục vụ lâu dài cho nền kinh tế”, bà Hồng yêu cầu.

Theo NHNN từ giờ đến cuối năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.

Từ giờ đến cuối năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Kiến nghị cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp du lịch, vận tải

Tại hội nghị, đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) kiến nghị, ngành vận tải, du lịch, dịch vụ còn khó khăn kéo dài, cần được xem xét, cơ cấu lại thời gian trả nợ.

“Ngành vận tải đã có hỗ trợ từ chính sách. NHNN có thông tư riêng cho Vietnam Airlines. Còn lĩnh vực dịch vụ lưu trú, nếu cho thêm 12 tháng kể từ ngày cơ cấu nợ thì vẫn còn khó khăn. Nếu cơ cấu từ năm nay, thêm 12 tháng, đến năm 2022, khi mở thị trường quốc tế, các đơn vị trả nợ mới có nguồn thu. Từ lúc cơ cấu nợ năm 2020 đến nay, 80% khách trả được theo kế hoạch. 20% còn lại không trả được, chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ lưu trú, du lịch”, đại diện MBBank cho hay.

Q.Nga - Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kiem-soat-dan-dong-tien-vao-bat-dong-san-chung-khoan-post1328223.tpo