Kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

* Xâm nhập mặn gia tăng tại đồng bằng sông Cửu LongNgày 20-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hành động ứng phó cụ thể của các địa phương, bảo đảm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn qua địa phương, bố trí đầy đủ lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24 giờ hằng ngày đối với lợn và sản phẩm lợn chuyển qua địa bàn; rà soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, xử lý triệt để chất thải, nước thải trong quy trình giết mổ…

Các địa phương khẩn trương tổ chức diễn tập ứng phó dịch tả lợn châu Phi, xây dựng phương án xử lý…

* Theo Cục Thú y, từ ngày 1-2 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 310 xã, 62 huyện của 20 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 37.868 con. Cục Thú y đã tiến hành lấy 2.929 mẫu giám sát, dương tính 1.310 mẫu. Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày.

* Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, tổng trọng lượng lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh chiếm khoảng 0,08% tổng nguồn cung trong năm. Đến thời điểm hiện nay, nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến. Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn; phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động các phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.

* Tại Bắc Ninh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, lưu ý những nơi chăn nuôi lớn, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao; phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Cùng với đó, Chi cục cấp 24 nghìn lít hóa chất cho các địa phương và huy động hơn 260 tấn vôi để thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

* Tại tỉnh Nghệ An vừa phát hiện thêm một ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi gia đình trú tại xóm 11, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu. Sau khi năm con lợn của hộ này bị ốm và chết, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy và lấy mẫu đi giám định. Chiều 19-3, kết quả cho thấy đàn lợn này dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

* Ngày 20-3, hai chốt kiểm dịch động vật tạm thời phục vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đặt trên quốc lộ 1A ở thị xã Điện Bàn, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã đi vào hoạt động nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các tỉnh phía bắc vào nam tiêu thụ. Tổng đàn lợn của tỉnh Quảng Nam hiện có 500 nghìn con, chủ yếu được chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ cho nên khó kiểm soát dịch bệnh.

* Sáng 20-3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Thuận cho biết: hai chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1 tại xã Tân Đức (Hàm Tân) và xã Vĩnh Tân (Tuy Phong) đã kiểm tra hàng trăm xe chở lợn qua chốt. Bên cạnh đó, các xe ra, vào tỉnh đều được phun thuốc sát trùng theo quy định.

* Chiều 20-3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện ứng ngân sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức ít nhất 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra. Giá lợn hiện nay khoảng 42 nghìn đồng/kg thì hỗ trợ 38 nghìn đồng/kg và lợn nái 64 nghìn đồng/kg; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ mức từ 1,5 đến 2 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh. Hiện, đơn vị lập tất cả các thủ tục trình tỉnh có quyết định để địa phương hỗ trợ kịp thời cho người dân.

* Theo Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn, hiện nay các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Quan, Văn Lãng... có hơn 143 ha rừng hồi bị nhiễm bệnh thán thư gây rụng lá, trong đó có 138 ha bị nhiễm ở thể nhẹ và 5,5 ha nhiễm nặng, khả năng phục hồi rất thấp. Để phòng, chống bệnh, Chi cục đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật phòng trừ bệnh, đồng thời hỗ trợ 24 nghìn chai thuốc Asmiltatop Super 400EC và máy phun thuốc phòng trừ bệnh thán thư.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, vụ đông - xuân 2018 - 2019, toàn tỉnh trồng 1.152 ha cây mì (sắn), trong đó gần 32% diện tích trồng giống HL-S11 nhiễm bệnh khảm lá mì. Từ giữa năm 2018, Đồng Nai bắt đầu xuất hiện bệnh khảm lá mì và nhanh chóng lan thành dịch, đến nay gần 380 ha bị nhiễm bệnh, trong đó, hơn 46 ha nhiễm bệnh nặng bị tiêu hủy.

* Ngày 20-3, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tiến hành bàn giao sáu cá thể khỉ cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương để chăm sóc, trước khi thả về môi trường tự nhiên. Đây là sáu cá thể khỉ mặt đỏ và khỉ đuôi dài do người dân giao nộp cho Hạt Kiểm lâm Biên Hòa và Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa chăm sóc từ hơn bảy năm nay.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ đã xảy ra tại tỉnh Đác Nông và miền Đông Nam Bộ. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, độ xâm nhập mặn sẽ tăng hơn trước do ảnh hưởng của kỳ triều cường, độ mặn xâm nhập sâu nhất xuất hiện vào các ngày 23 đến 26-3 và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2018.

* Do tác động của vùng hội tụ gió trên cao vào dịp thời tiết giao mùa, tại Lào Cai xảy ra dông, sét và mưa khá lớn trên diện rộng. Vào lúc 21 giờ ngày 19-3, tại xã vùng cao Dương Quỳ, tia sét cường độ mạnh đánh trúng đàn trâu của bốn gia đình đang chăn thả trên đồi cao, làm chết tại chỗ sáu con trâu, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

* Ngày 19-3, chủ tàu cá BT 93697 TS đã đến Đồn Biên phòng Sông Đốc (Cà Mau) trình báo vụ việc một thuyền viên trên tàu bị rơi xuống biển mất tích khi đang neo đậu tại vị trí cách Hòn Khoai khoảng 88 hải lý về hướng nam. Ngày 20-3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cà Mau phát đi công văn đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài Thông tin Duyên hải Cà Mau, Chi cục Thủy sản tỉnh thông qua hệ thống thông tin liên lạc của từng đơn vị nhanh chóng thông báo đến các phương tiện đang hoạt động gần khu vực thuyền viên bị mất tích để hỗ trợ tìm kiếm.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39569302-kiem-soat-dich-benh-tren-cay-trong-vat-nuoi.html