Kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng

Sản xuất vụ đông - xuân trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì tình hình sâu bệnh trên cây lương thực trong thời gian này có nguy cơ bùng phát. Các địa phương đang tăng cường chỉ đạo hướng dẫn người dân chú trọng kiểm tra, phát hiện sớm các loại sâu bệnh, diệt trừ tận gốc không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Người dân xã Dân chủ, TP Hạ Long phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ trên trà lúa vụ đông xuân.

TP Hạ Long hiện có hơn 1.240ha lúa xuân chính vụ trong thời kỳ đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, phân hóa làm đòng. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thành phố, thời điểm này khoảng 50ha lúa có dấu hiệu mắc bệnh đạo ôn lá; một số diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ.

Bà Đỗ Thị Thuận, thôn 1, xã Dân Chủ, cho biết: Ngay sau khi mới phát hiện tình trạng sâu hại trên cây lúa, tôi đã chủ động cắt những lá lúa bị nhiễm sâu để xử lý, đồng thời mua thuốc theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông phun trừ. Đến nay, sâu đã giảm rõ rệt, lúa hồi xanh trở lại, việc phun trừ được sớm mầm sâu là rất cần thiết để tránh lây lan...

Vụ đông - xuân 2019-2020, toàn tỉnh gieo cấy trên 15.800ha lúa. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện trà lúa xuân sớm đang giai đoạn đòng già, trỗ bông; trà lúa xuân muộn đang giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, phân hóa đòng. Điều kiện thời tiết trong thời gian qua khá thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển, tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại bùng phát, đặc biệt là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột,...

Diện tích rau màu TX Quảng Yên đang được chăm sóc tốt.

Theo đó, hiện nay bệnh đạo ôn lá đang phát sinh, gây hại trên các trà lúa, tỷ lệ bệnh phổ biến 0,5 - 1%, nơi cao từ 10-12% tại Uông Bí, Ba Chẽ, Quảng Yên, Đông Triều, Đầm Hà..., chủ yếu trên các giống, như: BC15, TBR 225, Thiên ưu,... và trên các ruộng xanh tốt bón thừa phân đạm, diện tích nhiễm ước khoảng 120ha. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 gây hại từ giữa tháng 3, mật độ phổ biến 5 - 10 con/m2, cao: 40 - 60 con/m2, đang có trên 670ha lúa bị nhiễm.

Bên cạnh đó, các sinh vật gây hại khác, như: Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 dự kiến trưởng thành vũ hóa rộ từ ngày 10-15/4, sâu non gây hại diện rộng trên trà lúa giai đoạn đứng cái, làm đòng từ 15/4 đến cuối tháng 4. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 đang gây hại, diện tích nhiễm khoảng 50ha.

Thời gian tới, rầy lứa 2 tiếp tục nở và gây hại, dự kiến mật độ 2.000 – 3.000 con/m2, diện tích nhiễm ước khoảng trên 500ha. Chuột có xu hướng gây hại gia tăng trên đồng ruộng, đặc biệt là trên các trà lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái, làm đòng trên các diện tích lúa tại các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên,... diện tích nhiễm ước khoảng 164ha.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Để kiểm soát, diệt trừ tận gốc dịch hại, Chi cục đã có văn bản đề nghị các phòng chuyên môn tại các huyện, thị xã, thành phố phân công cán bộ khuyến nông bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con chăm sóc kịp thời, bón phân cân đối NPK, bón đạm theo nhu cầu của lúa, tuyệt đối không được bón nhiều hoặc bón quá muộn. Những ruộng bị đạo ôn lá dừng ngay việc bón đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, giữ mực nước ổn định, tránh để ruộng khô. Riêng đối với nạn chuột, bà con cần cắt cỏ, vệ sinh bờ bao, tìm và phá ổ chuột để hạn chế nơi trú ngụ; sử dụng bẫy, bả sinh học diệt chuột.

Trong thời gian này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng khuyến cáo, bà con cần thực hiện việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng”. Tuyệt đối không pha trộn các loại thuốc vào 1 bình để phun nhằm tránh gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường. Nếu sâu, bệnh hại xuất hiện ở phạm vi hẹp nên sử dụng các biện pháp thủ công bắt, diệt.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tại các địa phương cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, tăng cao tính dự tính dự báo; điều tiết, giữ đủ nước trong ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông, phơi màu. Đồng thời, duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương đến tỉnh theo quy định... với mục tiêu cao nhất đạt kết quả cao sản xuất vụ đông - xuân 2020, đảm bảo sản lượng lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, nhất là trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Nguyễn Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202004/kiem-soat-dich-benh-tren-cay-trong-2478999/