Kiểm soát giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm

Tỉnh Vĩnh Phúc đang tăng cường kiểm soát khâu giết mổ, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm.

 Lò mổ đảm bảo ATTP của Cty Phát Đạt.

Lò mổ đảm bảo ATTP của Cty Phát Đạt.

Ngoài ra, còn nhằm mục đích quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm đúng quy định và không để lây lan dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh có 785 cơ sở giết mổ động vật, trong đó có 2 cơ sở giết mổ tập trung; 783 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, mới có 25 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) giết mổ; 76 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Thời gian qua, Chi cục tiến hành kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh, có 3 cơ sở giết mổ gia cầm xếp loại A; 127 cơ sở xếp loại B; 657 cơ sở xếp loại C. Đối với cơ sở xếp loại B, C, đoàn kiểm tra của Chi cục đã yêu cầu các cơ sở này khắc phục.

Phối hợp với các địa phương tổ chức ký cam kết thực hiện kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật theo đúng các quy định của pháp luật về thú y; phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh xử lý 3 vụ, tiêu hủy 1,5 tấn sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh thú y...

Tuy nhiên, hoạt động giết mổ động vật không đúng quy định vẫn diễn ra ở một số địa phương; gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo ATTP. Điều đáng nói, một số cơ sở chưa chấp hành các quy định của pháp luật về giết mổ động vật...

Ông Tạ Quốc Huy, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc cho biết: Đa số các cơ sở giết mổ động vật trong tỉnh là nhỏ lẻ và tự phát, với phương pháp giết mổ thủ công. Các cơ sở do xã quản lý và hoạt động diễn ra về đêm, sau đó đưa ra chợ bán hoặc cung cấp thực phẩm cho nhà hàng, bếp ăn tập thể. Vì vậy, việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, nguy cơ lây lan mầm bệnh...

Để khắc phục tình trạng trên, Chi cục đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, có quy mô hiện đại. Khuyến cáo người dân không dùng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ nên mua những thực phẩm đã được các cơ quan chức năng xác nhận.

Là một trong những cơ sở giết mổ lợn tập trung điển hình của tỉnh Vĩnh Phúc, Cty TNHH Sản xuất & Thương mại Phát Đạt cũng gặp khó khi hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, tự phát không được kiểm soát chặt.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Cty cho biết: Cơ sở giết mổ lợn của Cty được đầu tư trên 20 tỷ đồng, tiêu chuẩn ISO, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo đúng quy định về giết mổ động vật. Cơ sở luôn được cán bộ thú ý thực hiện kiểm tra, kiểm soát; lợn đưa vào giết mổ phải khỏe mạnh, không bị bệnh, rõ nguồn gốc, có giấy kiểm dịch… Ngoài ra, cơ sở đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cũng như niêm yết giá giá cả hợp lý để thu hút các hộ vào thuê giết mổ.

“Nếu cứ tồn tại giết mổ nhỏ lẻ thì khó kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nguy cơ mất ATTP rất cao, đặc biệt dịp cuối năm. Để đảm bảo ATTP cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền vận động các cơ sở giết mổ tập trung theo quy định...”, ông Tuấn nói.

“Vấn đề ATTP cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng cao, đặc biệt là những tháng trước, trong và sau tết. Thứ hai dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch tả lợn Châu Phi chưa được kiểm soát, khống chế triệt để. Thứ ba, ý thức của một số hộ có hoạt động buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP chưa cao”, ông Tạ Quốc Huy nhận định.

TRẦN HỒ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/kiem-soat-giet-mo-dam-bao-an-toan-thuc-pham-post254495.html