Kiểm soát hàng giả: Cần sự phối hợp của '3 nhà' và '1 người'

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái cần có sự phối hợp của người tiêu dùng và '3 nhà', bao gồm nhà quản lý, nhà sản xuất (doanh nghiệp) và nhà phân phối.

Đó là ý kiến của các đại biểu nêu ra tại Diễn đàn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp (DN) trong thời đại 4.0 diễn ra ngày 27/11 tại TP Hồ Chí Minh.

Biết giả vẫn dùng

Các mặt hàng mỹ phẩm, làm đẹp của các thương hiệu lớn rất hay bị làm giả sản phẩm.

Các mặt hàng mỹ phẩm, làm đẹp của các thương hiệu lớn rất hay bị làm giả sản phẩm.

Đa số các diễn giả, doanh nghiệp tại hội thảo đều cho rằng, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp cả về đối tượng, mức độ và cách thức vi phạm. Dịp cuối năm là cao điểm của hàng giả, hàng nhái xuất hiện do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịp này tăng cao.

Là đơn vị thường xuyên bị làm giả hàng hóa trên cả nước, ông Trần Thanh Kha, Trưởng phòng cấp cao Công ty NGK Spark Plus Việt Nam cho rằng, tỷ lệ bugi giả nhãn hiệu của DN tại Việt Nam đang chiếm khoảng 20% thị phần và đang có xu hướng gia tăng.

“Hàng giả bày bán công khai, thách thức nhưng DN không thể ngăn chặn vì trên thị trường nhiều điểm sửa chữa xe máy biết bugi giả nhưng vẫn cố tình kinh doanh vì lợi nhuận. Có những doanh nghiệp vừa bán hàng chính hãng vừa bán kèm hàng nhái (loại 1,2,3) với mức giá chênh lệch từ 20-50% tùy loại so với hàng chính hãng. Trong khi đó cơ quan chuyên trách họ không phân biệt được thật - giả nên gặp khó trong việc giám định. Hàng giả ngày càng nhiều và những nỗ lực của lực lượng chức năng và DN gần như chỉ mang tính “chữa cháy”, ông Kha cho biết.

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại ngày càng phổ biến và khó kiểm soát khi hàng giả được bày bán tràn lan trên các trang mạng xã hội và rất khó kiểm soát.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, các hành vi vi phạm phổ biến là về hàng giả hàng nhái và xâm hại quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó nhiều DN bị giả nhãn hiệu, điển hình như: Adidas, Nón Sơn, Bugi NHK, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, đồng hồ rolex... “Trong khi nhiều sản phẩm của thương hiệu trên có giá lên đến hàng trăm triệu đồng thì trên một số website thương mại điện tử các sản phẩm trên chỉ được bán với giá vài triệu đồng. Một số sản phẩm tiêu dùng khác bị giả thông tin như: sản phẩm bột ngọt, các sản phẩm chính hãng có hàm lượng thành phần mô tả rất rõ còn hàng nhái không đủ thông tin về sản phẩm, giá rẻ hơn rất nhiều…

Tẩy chay hàng giả

Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, trong 10 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo 389 đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 79.515 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tăng 7% so với cùng kỳ 2017. “Để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, Chính phủ rất quyết tâm, đồng hành với DN", ông Ba khẳng định.

Các đơn vị, doanh nghiệp trưng bày hàng giả, hàng thật tại diễn đàn để khách hàng phân biệt.

Đại diện Cục quản lý thị trường cho biết, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành phải nắm rõ thông tin, địa bàn, xác định phương án xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề để sớm phạt hiện các vụ vi phạm nhất là từ nay đến cuối năm; thành lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin về các hành vi vi phạm hàng giả, hàng nhái. Tăng cường sự hợp tác của các DN trong công tác chống hàng giả là rất quan trọng, bởi hiện còn nhiều DN chưa quan tâm đến công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Để hạn chế các hành vi gian lận thương mại trong thương mại điện tử bà Nguyễn Thị Minh Huyền, cho rằng trước mắt cần cảnh báo DN về hành vi xu hướng, hiện tượng gian lận thương mại hiện nay để DN nâng cao trách nhiệm với hàng hóa và có biện pháp phòng vệ của mình bằng các sản phẩm như: tem chống hàng giả, nhận diện sản phẩm… Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự phối hợp đồng bộ từ người tiêu dùng và 3 nhà là nhà quản lý, nhà sản xuất (doanh nghiệp) và nhà phân phối để kiểm soát từ khâu sản xuất đến phân phối và đến tay người tiêu dùng.

Dưới góc độ là DN, bà Phạm Thị Đào, đại diện Công ty Mỹ phẩm Anh Đào cho rằng, chế tàì xử phạt đối với các hành vi làm hàng giả hiện nay còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Do đó, các nhà quản lý cần tăng cường ở khâu xử phạt và xử phạt thật nặng.

Mặt khác, công tác chống hàng giả và gian lận thương mại ngày càng phức tạp và lâu dài vì vậy cần sự chung sức của cả cộng đồng. Người tiêu dùng cần tẩy chay hàng giả, để khi không có người mua thì cũng sẽ không còn người bán hàng giả, hàng nhái.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/kiem-soat-hang-gia-can-su-phoi-hop-cua-3-nha-va-1-nguoi-20181127185814896.htm