Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường từ dịch tả lợn châu Phi

Những ngày này, bên cạnh lo lắng tình trạng người dân vứt xác lợn bệnh ra đường, xuống sông, kênh, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đang tiếp tục theo dõi tình hình nước lũ đang lên, gây ảnh hưởng đến môi trường tại các hố chôn lợn.

Lợn bệnh và chết được tập kết tại bãi chôn lấp ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Lợn bệnh và chết được tập kết tại bãi chôn lấp ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Tập trung chống dịch, chưa cho tái đàn

Mặc dù tổng đàn lợn của tỉnh bị bệnh và tiêu hủy với số lượng rất lớn, tuy nhiên, đến thời điểm này, Đồng Tháp vẫn chưa cho tái đàn lợn. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn lợn hơi trong tỉnh giảm mạnh, giá lợn hơi bắt đầu có chiều hướng tăng, một vài hộ chăn nuôi lợn ở một số địa phương trong tỉnh tái đàn lợn một cách tự phát.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan nhận định, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn còn đang tiếp tục xảy ra và có khả năng kéo dài. Việc tái đàn lợn trong thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn đang diễn ra có thể làm cho dịch tái phát, bệnh dịch kéo dài, liên tục, và tiếp tục gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi trong tỉnh.

Lợn bệnh và chết được tập kết, chôn lấp.

Ông Ngoan cho biết, trước tình hình trên, Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các phòng có liên quan cấp huyện phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh việc khuyến cáo, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về việc không tái đàn lợn khi chưa có quyết định công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Việc tái đàn lợn chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ NN-PTNT đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, thời điểm tái đàn chỉ được thực hiện sau khi công bố hết dịch, tức là 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Việc tái đàn lợn chỉ được thực hiện khi cơ sở chăn nuôi có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm được các yêu cầu về an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Kiểm soát nguy cơ lây bệnh, ô nhiễm môi trường

Từ tháng 8-2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xuất hiện tình trạng người chăn nuôi vứt lợn chết ra đường, xuống sông, kênh, vừa gây ô nhiễm nguồn nước, vừa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Lợn chết bị vứt xác ra môi trường tại ấp 4, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp.

Điển hình, khoảng 15 giờ ngày 2-10 (tại ấp 4, xã Đốc Binh Kiều), huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, người dân phát hiện tại dốc cầu kênh 500-1 nằm trên tuyến lộ N2, có một xác lợn chết nặng khoảng 80 kg. Khi phát hiện, xác lợn đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường và mầm mống lây lan dịch bệnh cao.

Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Đồng Tháp Võ Bé Hiền cho biết, Chi cục đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười phối hợp UBND xã Đốc Binh Kiều nhanh chóng xử lý chôn lợn chết theo đúng quy định; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, không vứt xác lợn chết ra môi trường.

Tại huyện Châu Thành, dù sự việc phát hiện lợn bệnh chết trôi sông xảy ra cách đây hơn một tháng nhưng nhiều người dân ở khóm Phú Mỹ Thành, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành cho biết, họ vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh lợn trôi tấp vào gần nhà bốc mùi hôi thối nồng nặc. Cụ Lê Thị Minh, ngụ khóm Phú Mỹ Thành bức xúc cho biết: “Nhà tôi ở gần sông Cái Tàu. Suốt mấy ngày liền nghe mùi hôi rất khó chịu mà không biết ở đâu phát ra. Cháu tôi đi gần bờ sông mới phát hiện bên trong bao trôi sông tấp vào đám lục bình là heo mắc bệnh chết”.

Bà Lê Thị Minh, ngụ khóm Phú Mỹ Thành, thị trấn Cái Tàu Hạ, chỉ nơi phát hiện lợn chết được cho vào bao thả trôi sông.

Nói về tình trạng phát hiện lợn chết được người chăn nuôi thả trôi sông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Tàu Hạ Huỳnh Thanh Tùng xác nhận: Người dân ở địa phương có phát hiện tổng cộng ba con lợn mắc bệnh được người chăn nuôi cho vào các bao mang thả trôi sông. Ngay khi phát hiện sự việc, UBND thị trấn đã báo ngay ngành chức năng huyện Châu Thành để tiến hành tiêu hủy. Trong đó có một con lợn được tiến hành tiêu hủy ngay trong đêm phát hiện.

Theo UBND thị trấn Cái Tàu Hạ, đến nay, toàn thị trấn có hơn chục hộ có lợn mắc bệnh, chết. Địa phương đã phối hợp ngành chức năng tiêu hủy với số lượng hơn 170 con. Việc tiêu hủy được thực hiện tại một bãi lắng ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành. Ông Huỳnh Thanh Tùng cũng cho biết, ngay từ khi bắt đầu có dịch tả lợn xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, địa phương thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó có việc chú trọng vệ sinh chuồng trại, đặc biệt là không vứt lợn bệnh chết xuống sông, kênh.

“Qua nắm tình hình, xác định số lợn mắc bệnh được vứt trôi sông mà người dân phát hiện được không phải do người dân trên địa bàn thị trấn vứt xuống sông mà là ở một số địa phương lân cận. Vì môi trường sống cũng như sức khỏe của mình, chúng tôi cũng rất mong mọi người dân cần hết sức chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, tuyệt đối không vứt lợn bệnh xuống kênh, sông”, ông Tùng khuyến cáo.

Hiện nay đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão, kèm theo nước lũ từ thượng nguồn đổ về làm cho môi trường chăn nuôi trở nên ẩm thấp. Trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ chăn nuôi liền kề nhau và thiết kế chuồng trại không bảo đảm cách ly, nếu người chăn không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học như sử dụng nguồn nước sông chưa qua xử lý để vệ sinh chuồng trại, không kiểm soát, vệ sinh, tiêu độc khử trùng người và phương tiện ra vào trại, giữ ấm cho gia súc thì nguy cơ dịch bệnh sẽ còn tiếp tục tăng lên và kéo dài.

Chi cục trưởng Chăn nuôi, thú y và thủy sản Đồng Tháp Võ Bé Hiền cho biết: Do đặc điểm dịch tễ của bệnh là lây lan trực tiếp qua tiếp xúc giữa lợn bệnh và lợn khỏe hoặc gián tiếp qua nguồn nước, con người, dụng cụ chăn nuôi,… Vì thế, bệnh xảy ra âm ỉ trong đàn, tái đi tái lại nhiều lần rất khó kiểm soát. Cho đến nay, chưa có địa phương nào trên địa bàn tỉnh có thể công bố hết dịch. Thêm vào đó, do trời mưa, lực lượng làm công tác tiêu hủy của các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển và đào hố tiêu hủy; chưa kể rất nhiều trường hợp phải tổ chức tiêu hủy tới lui nhiều lần trên cùng một hộ nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Đồng Tháp, nhằm kiểm soát nguy cơ lây bệnh trong lợn, cũng như ngăn chặn ô nhiễm môi trường có liên quan đến lợn chết, thời gian tới, Chi cục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trong suốt thời gian mưa bão. Thường xuyên kiểm tra và khắc phục các hố tiêu hủy vì dễ xảy ra tình trạng sụp, lún và ngập nước khi mưa lớn kéo dài và nước lũ về. Đặc biệt, khi phát hiện người dân vứt lợn bệnh, chết xuống sông, kênh phải tuyệt đối xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời tiến hành tiêu hủy ngay, không để xảy ra ô nhiễm môi trường có liên quan đến lợn chết tại các khu vực dân cư cũng như tại những nơi chôn lấp lợn chết.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh. Yêu cầu ngành NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương quan tâm thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng, giám sát các hố chôn, bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là những địa phương có tổng đàn lợn lớn.

- Đến sáng 3-10, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có hơn 6.120 hộ chăn nuôi, ở 139/144 xã, phường, thị trấn của 12/12 huyện, thị, thành phố có lợn mắc bệnh. Số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 120 nghìn con (chiếm khoảng 46,5% tổng đàn lợn của tỉnh), tổng khối lượng tiêu hủy hơn 7.890 tấn. Hiện, bình quân mỗi ngày, toàn tỉnh có 11 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, với số lượng gần 141 con, khối lượng khoảng 9,7 tấn.
- Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 36 xã, phường, thị trấn của 10/12 huyện, thị xã, thành phố đã qua 30 ngày mà không phát sinh thêm ổ dịch mới. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã dự toán chi hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại với tổng số tiền hơn 233 tỷ đồng.

HỮU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41786902-kiem-soat-nguy-co-o-nhiem-moi-truong-tu-dich-ta-lon-chau-phi.html