Kiểm soát phương tiện bay không người lái siêu nhẹ

Hiện nay, quân đội nhiều nước trên thế giới tăng cường quan tâm nghiên cứu, sử dụng các phương tiện bay không người lái siêu nhẹ vào mục đích trinh sát tầm ngắn cho tác chiến điện tử; xác định, chỉ thị mục tiêu bằng laser cho các hệ thống vũ khí khác hoặc để mang bom nhỏ... Vậy đặc điểm của các phương tiện bay không người lái siêu nhẹ như thế nào và biện pháp đối phó với phương tiện này cần chú ý những gì?

Đặc điểm phương tiện bay không người lái siêu nhẹ

Không giống những mục tiêu trên không truyền thống, các phương tiện bay không người lái siêu nhẹ thường bay ở độ cao thấp (dưới 4km) khiến chúng dễ bị che khuất bởi địa hình phức tạp; di chuyển với tốc độ chậm (dưới 50m/giây) và có thể treo lơ lửng, điều này khiến chúng khó phân biệt với chim, dơi, diều và bóng bay. Ngoài ra, với kích thước nhỏ (dưới 20kg) và được làm bằng vật liệu phản xạ sóng kém nên khó nhận biết chúng.

Ưu điểm chính của phương tiện bay không người lái siêu nhẹ là khả năng tiến công các mục tiêu khó tiếp cận bằng đường bộ; khả năng thực hiện một cuộc tiến công trên diện rộng, đặc biệt thông qua việc sử dụng tác nhân CBR (vũ khí sinh hóa và phóng xạ) hoặc vũ khí thông thường trong các khu vực đông dân cư. Thậm chí, một thiết bị nổ nhỏ được phương tiện bay không người lái siêu nhẹ đưa đến một nơi đông người có thể gây ra nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó, sử dụng các phương tiện này bảo đảm sự bí mật trong chuẩn bị tiến công và linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm tác chiến.

Thiết bị chế áp các phương tiện bay không người lái siêu nhẹ do Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: HOÀNG HẢI

Độ cao hoạt động thấp cùng với kích thước và tiết diện phản xạ radar nhỏ, dấu hiệu hồng ngoại (IR) nhỏ của phương tiện bay không người lái siêu nhẹ khiến nó trở thành mục tiêu khó phát hiện đối với hầu hết hệ thống phòng không trên mặt đất (GBAD), chẳng hạn như hệ thống tên lửa đất đối không, súng phòng không và tên lửa tìm nhiệt vác vai. Xét ở góc độ chi phí, phương tiện bay không người lái siêu nhẹ có chi phí thấp, rất hiệu quả so với máy bay có người lái.

Tuy nhiên, các phương tiện bay không người lái siêu nhẹ có một số hạn chế nhất định, nhất là khả năng chống chịu thời tiết xấu như gió, mưa; chịu các tác động bên ngoài kém. Hầu hết phương tiện bay không người lái siêu nhẹ được làm bằng vật liệu rất nhẹ như bọt EPO, ván ép hoặc nhựa nên chống chịu ảnh hưởng vật lý và nhiệt độ kém. Để giảm thiểu khối lượng cho phương tiện bay không người lái siêu nhẹ, thiết bị điện tử hệ thống thường không được bảo vệ về điện từ (EMC) và bảo vệ hồng ngoại (nhiệt); các phương tiện này có phát xạ tần số vô tuyến (RF) có thể bị phát hiện bằng cách sử dụng hệ thống giám sát tín hiệu điện tử. Ngoài ra, do nó thường bay chậm và tạo ra tiếng cắt gió trong không khí nên có thể sử dụng thính giác để xác định và phát hiện.

Biện pháp đối phó với phương tiện bay không người lái

Các quy định về luật pháp có thể đưa ra một loạt biện pháp nhằm kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng và vòng đời của phương tiện bay không người lái siêu nhẹ, như: Đăng ký bắt buộc để mua và bán các phương tiện bay không người lái siêu nhẹ theo những cách phân loại nhất định (theo phạm vi bay, trọng tải, độ cao bay, thời gian bay...). Các quy định hàng không dân dụng về cấp phép và sử dụng, trách nhiệm hành chính và hình sự đối với các chuyến bay gần những cơ sở hạ tầng quan trọng của nhà nước, vùng cấm bay, giới hạn bay. Đồng thời, tăng cường cam kết quốc tế về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (bao gồm cả phương tiện bay không người lái siêu nhẹ mang vũ khí hủy diệt hàng loạt) của hiệp hội các nước tham gia Công ước về chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) được thành lập vào năm 1987.

Ngoài ra, theo những thông tin quy định về việc cấp phép chỉ được yêu cầu đối với các hệ thống máy bay không người lái hoàn chỉnh (bao gồm tên lửa hành trình, máy bay không người lái mục tiêu và máy bay không người lái trinh sát) có phạm vi hoạt động ≤ 300km...

Cùng với đó, cần thực hiện các biện pháp chế áp “mềm” đối với phương tiện bay không người lái siêu nhẹ, bao gồm: Phát hiện và đo tọa độ không gian, nhận dạng, xác định các mối đe dọa của phương tiện bay không người lái siêu nhẹ và phân tích tín hiệu tần số vô tuyến để gây nhiễu hiệu quả các kênh liên lạc và đường truyền chỉ huy hoặc để đánh chặn đường điều khiển.

Phương tiện bay không người lái siêu nhẹ thuộc loại máy bay có khả năng bị phát hiện thấp; chúng có những đặc điểm, thông số tương tự về chuyển động của chim, nên cần phải sử dụng các hệ thống phát hiện và nhận dạng chuyên dụng. Những hệ thống này có thể bao gồm cả radar chủ động và bị động, hệ thống trinh sát tín hiệu, cảm biến âm thanh và quang điện (EO). Trong đó, giải pháp hiệu quả nhất phải tích hợp nhiều loại hệ thống khác nhau với các biện pháp đối phó điện tử (ECM).

Ưu điểm chính của việc sử dụng radar chủ động để phát hiện phương tiện bay không người lái siêu nhẹ là khả năng phát hiện mục tiêu cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết và phát hiện mục tiêu ngay cả khi nó “im lặng vô tuyến”. Mặc dù trong thực tế, các radar hoạt động của hệ thống kiểm soát không lưu là cảm biến giám sát chính nhưng việc sử dụng các radar thông thường này để phát hiện phương tiện bay không người lái siêu nhẹ là không hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, cần phải tạo ra các radar chuyên dụng cho phép “nhìn” vĩnh viễn ở mọi nơi...

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN HUY HOÀNG (Học viện Kỹ thuật Quân sự)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/kiem-soat-phuong-tien-bay-khong-nguoi-lai-sieu-nhe-734704