Kiểm soát quyền lực để ngăn vi phạm

Một trong những sự kiện thu hút được sự chú ý của công luận trong suốt tuần qua - và có lẽ cả trong tuần tới - chính là phiên tòa đang diễn ra tại tỉnh Phú Thọ, thường được gọi là 'đại án' đánh bạc qua mạng hàng ngàn tỷ đồng.

Sự chú ý không chỉ đơn thuần về quy mô của vụ án (thu hút gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, truy tố 92 bị can, tổng số tiền thu lợi bất chính trên 9.853 tỷ đồng) mà vụ án được nhiều người quan tâm vì đã khiến một số tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong ngành công an lâm vào vòng lao lý. Điều này, một lần nữa, là cơ sở cho thấy mối lo ngại về khả năng kiểm soát quyền lực, đặc biệt là quyền lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật không phải không có cơ sở.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thẳng thắn nhận định: “Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và trang bị phương tiện của một số đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, cá biệt có trường hợp vi phạm bao che cho tội phạm gây dư luận xấu...”.

“Năm 2017 có đại biểu hỏi Viện trưởng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có tiêu cực, tham nhũng không?”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí đề cập lại câu hỏi và cho biết, qua công tác điều tra tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp, số vụ án mới được cơ quan điều tra VKSND phát hiện, khởi tố điều tra tăng 39,3%; số bị can khởi tố mới tăng 126,1%; trong đó có nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng (chiếm 69,2%), tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tư pháp khác chiếm 30,8%; đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. Số tiền tham ô, nhận hối lộ chiếm đoạt có vụ trên 1 tỷ đồng…

Thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cảnh báo mạnh mẽ rằng, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, song công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở. Bên cạnh vụ án Công ty CNC trong đường dây đánh bạc ngàn tỷ đồng kể trên, còn có những vụ việc liên quan đến một số sĩ quan công an, quân đội, lãnh đạo địa phương… đã kéo dài trong nhiều năm, đến nay mới được phát hiện, xử lý, điển hình như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), vụ Đinh Ngọc Hệ (Út trọc).

Cũng bàn về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội cuối tuần qua đặc biệt lưu ý đến công tác cán bộ. Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc có những lúc phải kiên quyết chặt một cành để cứu cả cây, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm “không bao giờ có chuyện chùn lại, chùng xuống, mệt mỏi; xử lý một vài người để cứu muôn người” trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng không quên nói thêm rằng, nếu có thể dùng thuốc để cứu cành, chữa cây thì vẫn phải tận lực. Một trong những “bài thuốc” quan trọng ấy chính là phải thường xuyên, liên tục giáo dục tính Đảng, lòng yêu nước, tính chính trị. “Phải mẫu mực, nêu gương; càng có công lao lớn thì càng phải khiêm tốn, nêu gương, giữ gìn để cho lớp trẻ nói theo. Tất cả như thế thì xã hội sẽ khác”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ tâm huyết với cử tri.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhìn nhận, tội phạm về chức vụ, tham nhũng bị xử lý mặc dù tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm ngay trong chính các lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và củng cố niềm tin của nhân dân.

Những vi phạm pháp luật ngay tại chính cơ quan phòng, chống tội phạm, thể hiện qua các số liệu cụ thể được người đứng đầu VKSND tối cao nêu trên đã cho thấy, cần phải tăng cường sự giám sát, kiểm soát để những cá nhân trong cơ quan bảo vệ pháp luật không thể vi phạm và không muốn vi phạm vì những vi phạm của những cá nhân trong các cơ quan này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người dân. Trong đó, một trong những giải pháp là quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải trình và chịu trách nhiệm liên đới tới các sai phạm, tham nhũng của cấp dưới. Đồng thời, có biện pháp hữu hiệu để kê biên, tịch thu tài sản do tham nhũng, nhận hối lộ mà có. Có như vậy thì các đối tượng sẽ “không muốn, không dám và không thể” thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kiem-soat-quyen-luc-de-ngan-vi-pham-561405.html