Kiểm soát quyền lực để trị tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thiết lập cho được cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị tha hóa

Ngày 25-6, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị tổ chức nhằm kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ từ sau Đại hội của Đảng XII đến nay về công tác PCTN, bàn phương hướng cho thời gian tới. Hội nghị còn đánh giá những bước tiến cũng như tồn tại, khó khăn về công tác PCTN trong chặng đường 5 năm qua kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN đến nay.

Cuộc chiến còn nhiều khó khăn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN sẽ đúc rút kinh nghiệm, vạch phương hướng cho thời gian tới để đẩy mạnh chống giặc nội xâm đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt. Theo Tổng Bí thư, cuộc chiến PCTN còn khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đầy thử thách, chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía. Mong rằng sau hội nghị này, công tác PCTN sẽ có bước chuyển tiến mới, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn.

Báo cáo về tình hình, kết quả công tác PCTN từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Trưởng Ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc cho biết tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, "có chiều hướng thuyên giảm". Điểm nổi bật được ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh trong báo cáo là vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN được nâng lên. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm.

Cũng theo ông Phan Đình Trạc, công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên để PCTN vẫn còn hạn chế. Cụ thể, các loại "chạy" trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Ở một số bộ, ngành, địa phương, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm vi phạm quy định pháp luật về PCTN. Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc, hiệu quả thấp.

Hạn chế thất thoát tài sản, ngăn chặn bỏ trốn

Thảo luận về trách nhiệm người đứng đầu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là vô cùng quan trọng. Theo ông Phong, TP HCM đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, đồng thời yêu cầu người đứng đầu cấp ủy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải gương mẫu, trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN.

"Người đứng đầu phải chủ động tự phát hiện vụ việc trong cơ quan, tổ chức, địa phương do mình phụ trách. Xác định kết quả công tác PCTN là tiêu chí, thước đo, phẩm chất và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu" - ông Nguyễn Thành Phong nói và kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới.

Đề cập những hạn chế trong công tác PCTN thời gian qua, ông Phan Đình Trạc cho biết việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác PCTN. Trưởng Ban Nội chính trung ương nhấn mạnh về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Trước những hạn chế của việc thu hồi tài sản tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng cần chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm toán để sớm tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự nhằm kịp thời có biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản. "Đề nghị ban chỉ đạo chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước tăng cường kiểm toán chuyên đề, đột xuất đối với những dự án có liên quan đến đất đai, đầu tư công, mua sắm công có giá trị lớn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án thua lỗ lớn. Qua đó, khi dấu hiệu vi phạm pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Bộ Công an để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu chứng cứ" - Thứ trưởng Lê Quý Vương kiến nghị.

Các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước cùng đại biểu tại hội nghị Ảnh TTXVN

"Nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế"

Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thời gian tới cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ý chí, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN. Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh PCTN. Đặc biệt, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh PCTN.

Tổng Bí thư yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, lợi ích nhóm.

Theo Tổng Bí thư, quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị tha hóa. "Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách... hay nói một cách hình ảnh là phải "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là ở các địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN. Các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử… phải là những thanh bảo kiếm sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm; có nghiệp vụ, bản lĩnh bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai. Ngoài ra, những người làm việc trong cơ quan chống tham nhũng biết trọng liêm sỉ, trong sạch, không bị người phạm tội mua chuộc.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/kiem-soat-quyen-luc-de-tri-tham-nhung-20180625220745163.htm