Kiểm soát quyền lực nhìn từ Nghị quyết 27 về Nhà nước pháp quyền

Vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước nay được làm rõ hơn trong Nghị quyết 27 về Nhà nước pháp quyền XHCN, 11 năm sau khi Đại hội XI của Đảng đưa vào Cương lĩnh.

Nghị quyết 27 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” (ban hành ngày 9-11) không chỉ là lần đầu tiên mô tả đầy đủ 8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, mà còn đóng góp vào việc làm rõ hơn nữa mô hình tổ chức quyền lực nhà nước trong tình hình mới, trong đó có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Đại biểu Quốc hội - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, hôm 15-11. Tại các kỳ họp, Quốc hội đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, bao gồm cả phối hợp, kiểm soát quyền lực của cơ quan hành pháp, tư pháp. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, hôm 15-11. Tại các kỳ họp, Quốc hội đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, bao gồm cả phối hợp, kiểm soát quyền lực của cơ quan hành pháp, tư pháp. Ảnh: QH

Vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước lần đầu tiên được ghi nhận chính thức trong Văn kiện Đại hội XI, rồi bổ sung vào Cương lĩnh chính trị của Đảng, năm 2011. Quan điểm chính trị này sau đó được thể chế hóa tại Hiến pháp 2013: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Dù đưa vào Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước như vậy, nhưng kiểm soát quyền lực nhà nước vẫn là vấn đề rất mới. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII (năm 2016) đã thẳng thắn thừa nhận hạn chế: Chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp; tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả…

Từ đó đến nay, bên cạnh những thảo luận mang tính học thuật, bằng các nỗ lực có tính chất thực tiễn trong tìm tòi các phương thức, cách làm, bao gồm cả thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng đã nhận thức rõ hơn các yêu cầu của nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đặt trong cùng một nhóm với đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kết quả này được thể hiện tại nội dung thứ 8 phần nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 27 mà Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã thông qua mới đây.

Theo đó, kiểm soát quyền lực không phải chỉ là giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, mà còn là “bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền”.

“Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những năm qua thường nhấn mạnh, nay được BCH Trung ương làm rõ hơn về nội hàm: “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức”.

Cũng như vậy, yêu cầu “đúng vai, thuộc bài”, tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây” như Tổng Bí thư thường nói, đến nay, với Nghị quyết 27, đã được mô tả đầy đủ hơn.

Đó là kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước. Là thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước. Là hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước…

Đáng chú ý, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xác định là nhiệm vụ, giải pháp đặt bên cạnh nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, lần đầu tiên ở tầm Nghị quyết của BCH Trung ương đặt ra một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ các cơ chế để không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, phải hình thành được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.

Nghĩa Nhân

Nguồn PLO: https://plo.vn/kiem-soat-quyen-luc-nhin-tu-nghi-quyet-27-ve-nha-nuoc-phap-quyen-post709390.html