Kiểm soát tốt chất lượng vũ khí, trang bị phục vụ sự phát triển của quân đội

Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (TC-ĐL-CL) là công việc thầm lặng, song liên quan trực tiếp đến chất lượng vũ khí, trang bị (VKTB) của toàn quân. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống của Cục TC-ĐL-CL (Bộ Tổng Tham mưu), Thiếu tướng, TS Phạm Tuấn Anh, Cục trưởng Cục TC-ĐL-CL, có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về nhiệm vụ đặc thù của ngành và những vấn đề đặt ra để phục vụ quân đội tiến lên hiện đại.

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể chia sẻ đôi nét về Cục TC-ĐL-CL và những công việc mà các đồng chí đang đảm nhiệm?

Thiếu tướng Phạm Tuấn Anh: TC-ĐL-CL là một chuyên ngành rất đặc thù, quan trọng, nên đã được Đảng, Nhà nước và quân đội ta quan tâm, đầu tư xây dựng từ khá sớm. Cục TC-ĐL-CL ra đời ngày 3-7-1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác đo lường, kiểm tra, hiệu chỉnh, sửa chữa các loại vũ khí, khí tài phục vụ nhiệm vụ chiến đấu và huấn luyện của quân đội.

Hiện nay, Cục TC-ĐL-CL là cơ quan đầu ngành trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, có chức năng tham mưu với Tổng Tham mưu trưởng giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về TC-ĐL-CL, đăng kiểm trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (QS, QP) và bảo đảm đo lường cho VKTB trong toàn quân.

Thiếu tướng Phạm Tuấn Anh.

Thiếu tướng Phạm Tuấn Anh.

PV: Được biết, 50 năm qua, Cục TC-ĐL-CL luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đề nghị đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật?

Thiếu tướng Phạm Tuấn Anh: Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về TC-ĐL-CL đã được Cục TC-ĐL-CL triển khai toàn diện. Bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cục đã chỉ đạo toàn quân tổ chức thực hiện tốt công tác tiêu chuẩn hóa, qua đó đã xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn quân sự đồng bộ với hơn 2.500 tiêu chuẩn quốc gia, hàng nghìn tiêu chuẩn cơ sở, hơn 3.000 quy trình kỹ thuật và hàng chục quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực QS, QP, làm cơ sở để kiểm soát chất lượng VKTB và các sản phẩm quốc phòng (SPQP); xây dựng, công nhận năng lực 156 cơ sở đo lường-chất lượng ở hầu hết các lĩnh vực trong toàn quân với năng lực kiểm định, hiệu chuẩn và thử nghiệm chất lượng hàng trăm tham số chỉ tiêu chiến, kỹ thuật của VKTB và SPQP. Bên cạnh đó, đã thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng VKTB và SPQP trong sản xuất, sửa chữa, mua sắm tại các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng; tổ chức giám định chất lượng hàng trăm nghìn VKTB, vật tư kỹ thuật, SPQP; tổ chức đăng kiểm cho hàng trăm tàu thuyền quân sự. Cục cũng đã chỉ đạo, tổ chức bảo đảm đo lường cho hàng chục nghìn lượt phương tiện đo, phương tiện thử nghiệm của các đơn vị trong toàn quân. Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác TC-ĐL-CL đã góp phần quan trọng kiểm soát chất lượng, độ tin cậy đối với VKTB, SPQP, đáp ứng yêu cầu công tác huấn luyện và SSCĐ trong toàn quân.

PV: Quân đội đang được xây dựng từng bước hiện đại, một số lực lượng được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại. Nhiệm vụ của ngành liên quan trực tiếp đến VKTB, vậy khó khăn đặt ra với các đồng chí là gì?

Lãnh đạo Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng chủ trì kiểm tra chất lượng vũ khí, trang bị tại Vùng 5 Hải quân (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: XUÂN KIÊN

Thiếu tướng Phạm Tuấn Anh: Quân đội tiến lên hiện đại, đồng nghĩa với quân đội được đầu tư các hệ thống VKTB hiện đại thế hệ mới, có đặc điểm chung là sự tích hợp lớn hệ thống đo lường-điều khiển, tự động hóa, tốc độ điều khiển và xử lý thông tin cao. Những đặc điểm này đặt ra thách thức, khó khăn đối với công tác bảo đảm đo lường cho VKTB mới, cụ thể như: Khó khăn về công tác bảo đảm truyền chuẩn, liên kết chuẩn cho hệ thống đo lường gắn trên VKTB và các phương tiện đo, phương tiện kiểm tra thử nghiệm đồng bộ VKTB với yêu cầu phạm vi đo, độ chính xác cao; khó khăn về việc kiểm soát chất lượng VKTB hiện đại với độ tích hợp công nghệ cao và nhiều tham số động; khó khăn về chuẩn đo lường, phương tiện đo mẫu có nguy cơ tụt hậu, không theo kịp về cấp chính xác, trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại; khó khăn về nguồn nhân lực chưa kịp đào tạo lại, còn hạn chế về cập nhật khoa học công nghệ tiên tiến...

PV: Đề nghị đồng chí cho biết những chủ trương, biện pháp để khắc phục những khó khăn, phục vụ đắc lực quá trình hiện đại hóa quân đội?

Thiếu tướng Phạm Tuấn Anh: Trước hết, chúng tôi xác định phải tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và chỉ lệnh công tác QS, QP; xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong thực hiện các nhiệm vụ. Tiếp đó, cần thiết phải đổi mới phương thức bảo đảm TC-ĐL-CL cho VKTB thế hệ mới, đồng thời tiếp tục đầu tư tiềm lực về chuẩn mẫu và trang bị đo lường-thử nghiệm phù hợp quy hoạch chuẩn quốc gia, công nghệ tiên tiến, bảo đảm đủ năng lực kiểm định/hiệu chuẩn và kiểm tra thử nghiệm chất lượng VKTB hiện đại đang và sẽ trang bị trong quân đội. Tập trung xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu, giỏi về khoa học kỹ thuật đo lường, có trình độ ngoại ngữ tốt, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới và hội nhập Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, cần kiện toàn lại hệ thống ngành TC-ĐL-CL phù hợp tổ chức mới của quân đội, theo hướng tinh, gọn, mạnh và kết hợp bảo đảm đo lường theo ngành dọc một số chuyên ngành kỹ thuật.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG HÀ (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-doi-tien-len-hien-dai/kiem-soat-tot-chat-luong-vu-khi-trang-bi-phuc-vu-su-phat-trien-cua-quan-doi-663639