Kiểm soát việc tăng 'nóng' dự án năng lượng tái tạo

Sự phát triển 'nóng' các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời thời gian qua đã và đang gây ra áp lực bảo đảm dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện do tính bất định về công suất phát của nguồn năng lượng tái tạo. Do vậy, việc xây dựng các cơ chế về pháp lý cũng như kỹ thuật để kiểm soát việc phát triển các dự án lĩnh vực này là rất cấp thiết.

Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ năm 2019 đến hết năm 2020 xuất hiện sự bùng nổ năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió kéo theo nhiều bất cập trong vận hành hệ thống điện. Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, địa phương có tỷ lệ năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng nghìn MW nhưng nhu cầu sử dụng ở địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500kV để chuyển sang các địa phương khác.

Tính đến tháng 4-2021, trong tổng công suất nguồn điện, Việt Nam có 7.700MW điện mặt trời áp mái, nguồn điện từ điện mặt trời trang trại khoảng 9.200MW. Công suất các dự án điện gió hiện mới có 612MW, nhưng dự kiến từ nay đến cuối năm tăng nhanh do số dự án chuẩn bị đi vào hoạt động có nhiều dự án công suất lớn. Dự kiến, sẽ có 4.500-5.400MW từ dự án điện gió trong tháng 9 và 10-2021.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, hiện tượng thừa nguồn năng lượng tái tạo đang ảnh hưởng lớn đến việc điều hành hệ thống điện, như gây quá tải đường dây nội miền; phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm lớn...

Đánh giá về điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, năng lượng tái tạo bùng nổ quá mức như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các dự án khác đã có trong quy hoạch, gây áp lực bảo đảm dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện do tính bất định về công suất phát của nguồn năng lượng tái tạo.

Một trong những nguyên nhân của vấn đề, theo ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế EVN, theo quy định, cấp phép đầu tư các dự án năng lượng tái tạo do UBND cấp tỉnh quản lý. Ngành Điện chỉ là bên mua và chỉ được tiến hành đàm phán với nhà đầu tư về hợp đồng mua bán điện, về giá...

Còn GS.TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, bất cập hiện nay là khi phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời, các UBND tỉnh không tham khảo ý kiến của bên bán điện về những khó khăn trong việc vận hành, đấu nối. Điều này dẫn đến quá trình thiếu kiểm soát trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua. Việc bùng nổ các dự án điện mặt trời, điện gió trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ việc các địa phương phê duyệt quá nhiều dự án…

Thực tế, năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời là một trong các giải pháp quan trọng để bảo đảm cung ứng điện cho đất nước. Việc đưa vào vận hành nguồn công suất các dự án điện mặt trời trong thời gian qua đã bù đắp lượng công suất thiếu hụt do các nguồn nhiệt điện, điện khí chậm tiến độ, góp phần giảm lượng điện phát dầu (nguồn điện có giá thành cao trong hệ thống). Tuy nhiên, để phát huy giá trị thì cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một khu vực gây khó khăn trong truyền tải điện, giải tỏa công suất các nhà máy điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư.

Hiện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đang nghiên cứu để vận hành tối ưu các hệ thống pin tích trữ; xây dựng hệ thống điện liên kết đa quốc gia, qua đó giải quyết bài toán thừa/thiếu nguồn linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng từng bước tham gia nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho khách hàng mua điện trong khu vực tư nhân và các nhà cung cấp năng lượng tái tạo ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). Cơ chế DPPA sẽ cho phép các doanh nghiệp mua năng lượng tái tạo tại Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn, đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các công nghệ năng lượng sạch trên thế giới, hướng tới nền kinh tế xanh, giảm thiểu phát thải carbon.

Trung Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/999455/kiem-soat-viec-tang-nong-du-an-nang-luong-tai-tao