Kiểm soát việc vận hành các hồ chứa thủy điện lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn khá tốt

Đó là khẳng định của ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn với VietTimes.

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ

Phóng viên: Với những diễn biến mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua, dư luận đang dấy lên quan ngại về việc kiểm soát vận hành hồ chứa và quy trình xả lũ của các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đang có vấn đề. Với vai trò là Phó Chủ tịch UBND tỉnh chuyên trách, ông ý kiến thế nào về việc này?

-Ông Hồ Quang Bửu: Từ đầu mùa mưa lũ năm 2020 đến nay, việc kiểm soát vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được triển khai khá tốt.

Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh thường xuyên tổ chức họp trực tuyến với các chủ đập thủy điện để bàn kế hoạch vận hành phù hợp với từng đợt mưa. Nhờ đó mà việc vận hành các hồ chứa thủy điện đều được kiểm soát, đúng quy trình.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Tình trạng lũ lớn gây thiệt hại nặng nề cho người dân trong thời gian qua có liên quan gì đến việc xả lũ của các hồ thủy điện hay không thưa ông?

-Thực tế trong 10 năm qua, diễn biến ngập lụt trong mùa mưa lũ năm nay không lớn hơn so với các năm 2007, 2009, 2011, 2013 và 2017. Thực tế trong năm nay, trong các ngày từ 6 đến 10/10 trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa rất to trên diện rộng. Tuy chưa có sự tham gia điều tiết của các hồ chứa thủy điện, nhưng khu vực hạ du vẫn bị ngập, ví như tại Ái Nghĩa 9.25m, trên báo động III 0,25m.

Do vậy, có thể đánh giá các hồ chứa thủy điện lớn ngoài chức năng phân phối lại dòng chảy trong mùa cạn (vận hành xả nước qua phát điện theo nhu cầu sử dụng nước tại hạ du) còn có chức năng giảm lũ cho hạ du.

Trong đợt mưa sau bão số 9 (ngày 28/10), do lưu lượng về hồ quá lớn (vượt lưu lượng đỉnh lũ thiết kế), một cách đột ngột, trong thời gian ngắn nên hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 buộc phải vận hành điều tiết nước về hạ du với lưu lượng lớn để đảm bảo an toàn công trình. Chính việc này đã làm cho mực nước vùng hạ du tăng nhanh, gây thiệt hại cho vùng hạ du.

Vậy trong thời gian qua, UBND tỉnh mà cụ thể là Ban Chỉ huy PCTT &TKCN, đã phối hợp thế nào trong việc giám sát xả lũ ở các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là công tác giám sát tuân thủ quy trình?

-Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã xây dựng và ký kết quy chế phối hợp với các chủ đập thủy điện về việc tổ chức vận hành trong mùa lũ.

Theo đó, chúng tôi xây dựng các kịch bản vận hành, quy định chế độ thông tin và trách nhiệm của các cơ quan đơn vị có liên quan theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019.

Hiện trường nhà dân vùng hạ du dưới chân đập thủy điện Đăk Mi 4 sau khi thủy điện xả lũ để điều tiết mực nước lòng hồ

Đã giám sát mực nước hồ chứa bằng camera trực tuyến!

Ông có thể chia sẻ quy trình vận hành hồ chứa và công tác giám sát vận hành việc xả lũ đối với các hồ chứa trên địa bàn như thế nào, nhất là các hồ chứa thủy điện đang bị dư luận nghi ngại?

-Việc vận hành và giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện được quy định tại Quy trình 1865 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trên cơ sở bản tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước tại khu vực hạ du, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh quyết định vận hành theo các kịch bản: vận hành hạ mực nước hồ về mực nước đón lũ thấp nhất, Vận hành duy trì mực nước hồ, Vận hành cắt giảm, lũ cho hạ du.

Và tất cả các thông tin về vận hành được đăng tải công khai trên website: http://pctt.quangnam.vn nên việc giám sát vận hành cơ bản thuận lợi.

Vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc địa phận huyện Đại Lộc, Quảng Nam bị chìm sâu trong nước khi thủy điện xả lũ

Ngoài việc công bố thông tin công khai, các đơn vị đã áp dụng công nghệ gì để giám sát việc xả lũ?

-Bên cạnh việc giám sát thủy điện xả lũ trực tuyến bằng camera thì các chủ đập thủy điện thực hiện thông tin vận hành đến các cơ quan tại Trung ương như Bộ TN&MT, Bộ Công thương để theo dõi, giám sát.

Chính phủ đã có những chỉ đạo về số hóa trong hầu hết các ngành, vậy đối với việc giám sát mực nước hồ chứa, xả lũ trên địa bàn tỉnh đã áp dụng chưa thưa ông? Nếu đã áp dụng thì các đơn vị nào đã áp dụng và công tác vận hành như thế nào?

-Như đã trao đổi ở phần trên, việc giám sát mực nước hồ chứa, xả lũ của các hồ chứa thủy điện được thực hiện bằng camera trực tuyến và cập nhập, công khai trên website: http://pctt.quangnam.vn của tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/kiem-soat-viec-van-hanh-cac-ho-chua-thuy-dien-luu-vuc-song-vu-gia-thu-bon-kha-tot-post140263.html