Kiếm tiền triệu từ gom rơm, rạ bằng máy trên các cánh đồng

Cứ sau mỗi mùa vụ, người nông dân lại len lỏi khắp các cánh đồng, bất chấp thời tiết nắng gắt để gom rơm, kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Tận dụng những cây rơm bỏ lại sau khi thu hoạch lúa, nhiều người đã chi ra hàng trăm triệu đồng để sắm máy gom rơm. Cứ mỗi mùa vụ, họ lại len lỏi khắp các cánh đồng, bất chấp thời tiết nắng gắt để gom rơm, kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Những ngày cuối tháng 5, mới hơn 9 giờ sáng nhưng thời tiết nhiều nơi ở Nghệ An đã nắng gắt. Khi nhiều nông dân đã tranh thủ làm xong việc ngoài đồng để về nhà tránh nắng thì nhóm của anh Phạm Văn Hoan (46 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình), lại bắt đầu một ngày làm việc. Công việc của họ là thu gom rơm ở các cánh đồng đã gặt lúa xong. Mấy hôm nay, đội máy và người làm của anh thu hoạch ở cánh đồng xã Hưng Lộc, TP Vinh.

 Trời nắng nóng nhưng các nhân công vẫn tranh thủ làm việc. Ảnh: Thảo Nguyên

Trời nắng nóng nhưng các nhân công vẫn tranh thủ làm việc. Ảnh: Thảo Nguyên

Anh Hoan chia sẻ, sau khi thuê máy gặt lúa, cây rơm thường được người dân vứt ngoài đồng. Những cây rơm này phần lớn họ cho mình gom, có nhà thì bán. Số lượng rơm thu được nhiều hay ít phụ thuộc vào việc máy gặt trước đó gặt sâu hay nông. Trung bình mỗi sào trung bộ (500m2) thu được khoảng 10-12 cuộn rơm, mỗi cuộn nặng 16-19kg.

Để thuận tiện cho công việc, người đàn ông này đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 3 máy gom rơm. Cứ mỗi vụ mùa, anh cùng đồng nghiệp đi khắp các tỉnh như Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… để gom rơm. Tính đến nay, anh đã làm công việc này được 6 năm.

Anh Hoan cười vui, chia sẻ công việc này là “cướp nắng”, bởi trời nắng thuận lợi cho việc thu gom rơm, sợi rơm đủ khô, màu sắc đẹp, không bị ẩm mốc trong quá trình dự trữ cũng như tốn nhiên liệu, kinh phí cho việc sấy khô.

Mỗi đám ruộng sau khi thu hoạch, rơm được phơi nắng trên cánh đồng từ 2 - 3 ngày cho khô hẳn mới có thể cuộn. Một nguyên tắc khi đi thu rơm là không thể gom vào sáng sớm bởi khi đó sương vẫn còn. Nếu chiều muộn quá thì cây rơm cùng không đạt được độ khô, thơm mà bị ẩm. Do đó, những người làm nghề này thường bắt đầu công việc từ sau 8h, khi nắng bắt đầu gay gắt, rơm đủ khô và kéo dài cho đến chiều. Hôm nào mưa thì nghỉ.

Mỗi máy cuộn, anh Hoan thuê thêm 4-5 nhân công để phụ việc. Thợ chính mỗi ngày anh sẽ trả tầm 800.000 đồng, thợ phụ việc khoảng 500.000 đồng. Mức lương sẽ cao hơn nếu thợ tăng ca. Theo anh Hoan sau mỗi mùa vụ, trừ các chi phí khác, mỗi máy thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng.

Công việc gom rơm nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật điều chỉnh máy cao. Ảnh: Thảo Nguyên

Làm nghề thu gom rơm đã hơn chục năm nay, anh Hoàng Văn Anh (36 tuổi, trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), cho biết, trước đây bà con thường huy động sức người để gom rơm mang về dự trữ làm thức ăn cho gia súc. Nhiều nhà không dùng rơm thì đốt bỏ, việc này không những lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. Để tận dụng nguồn phụ phẩm này, anh đã đầu tư mua máy thu rơm để kiếm thêm thu nhập.

Hiện, anh có 4 máy cuộn rơm với hơn vài chục nhân công thu gom rơm trên các cánh đồng. Những cuộn rơm được bán ra thị trường với giá 40.000 đồng/cuộn. Sau khi thu gom, những cuộn rơm sẽ được phân phối ở các tỉnh phía Bắc. Theo anh Anh, việc bán rơm không lo ế bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chăn nuôi gia súc quy mô lớn đang cần rơm làm thức ăn rất lớn. Sắp tới, người đàn ông này dự định sẽ mở rộng quy mô xuất khẩu rơm cuộn ra các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thảo Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kiem-tien-trieu-tu-gom-rom-ra-bang-may-tren-cac-canh-dong-post250066.html