Kiểm toán lòi vi phạm, 'bó tay' xử phạt

Hiệu quả thực thi của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đang bị giảm đi khi thiếu những quy định, chế tài mang tính bắt buộc đối tượng vi phạm phải chấp hành. Đó là nhận định của đại diện KTNN cùng một số chuyên gia.

Thất thu ngân sách lớn từ trốn thuế, chuyển giá

Theo KTNN, trong năm 2018, kết quả kiểm toán đối với 248/276 báo cáo kiểm toán phát hành, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, gồm các khoản tăng thu ngân sách 20.518 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 18.447 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 45.134 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, KTNN xác định nộp ngân sách tăng thêm 1.684 tỷ đồng, số kiến nghị giảm lỗ 3.341 tỷ đồng.

Việc xác định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để Chính phủ quy định các chế tài (khung tiền phạt) đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, cũng như thẩm quyền xử phạt của từng chức danh cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính lại không quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN.

Ông Đặng Thanh Sơn

Bên cạnh đó, theo pháp luật thuế hiện hành, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm, nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế (có nghĩa là khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện). Chính vì vậy, việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như: Unilever, Sabeco… truy thu ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng. Cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, thành phố, KTNN kiến nghị xử lý về số liệu liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp quy định 1.396 tỷ đồng.

Qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, đối chiếu 329 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách 3.856 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 3.911 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2016, KTNN đã xác định truy thu thuế tài nguyên tăng thêm 560 tỷ đồng và kiến nghị địa phương xử lý khai thác ngoài ranh giới mỏ làm thất thu ngân sách khoảng 1.177 tỷ đồng.

Hay qua kiểm toán các dự án BT trong năm 2017 cho thấy, hầu hết đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để chọn nhà đầu tư; thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất không thông qua hình thức đấu thầu là vi phạm Luật Đất đai, và là kẽ hở do định giá thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát ngân sách.

Kiểm toán 30 dự án BT từ trước đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Các dự án BOT đã giảm 222 năm thời gian thu phí của 61 dự án, kiến nghị những bất cập về cơ chế, chính sách.

Luật thiếu chế tài mạnh

Theo Luật KTNN, KTNN chỉ có quyền kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc chấp hành pháp luật; đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý những vi phạm…

Theo ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN.

Qua KTNN đã kiến nghị truy thu thuế tại Sabeco hàng trăm tỷ đồng.

Qua KTNN đã kiến nghị truy thu thuế tại Sabeco hàng trăm tỷ đồng.

Theo ông Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN, thời gian qua khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan (bên thứ 3: các đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế, các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án bất động sản, khai thác khoáng sản…), KTNN phải thực hiện thông qua cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường).

Song do nhận thức và áp dụng pháp luật của một bộ phận (bao gồm cả chủ quan và khách quan) chưa thống nhất, nên quan niệm khi không là đơn vị được kiểm toán thì không chịu sự kiểm toán của KTNN. Vì vậy, KTNN đã gặp không ít các trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, KTNN kết luận, kiến nghị không thực hiện… gây khó khăn cho hoạt động của KTNN.

Chỉ tính năm 2017, đã có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch; nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của KTNN. Còn về tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, kết quả cho thấy, năm 2017 (niên độ 2016): số kiến nghị 91.322 tỷ đồng, nhưng số thực hiện 66.415 tỷ đồng, tỷ lệ thực hiện 73%.

Năm 2016 (niên độ 2015): số kiến nghị 38.450 tỷ đồng, số thực hiện 30.082 tỷ đồng, tỷ lệ thực hiện 78%... Nguyên nhân cơ bản là do thiếu các quy định về chế tài để xử lý các hành vi vi phạm.

Cần bổ sung quy định vào luật

Từ kinh nghiệm của nhiều nước đều có quy định riêng về quyền xử phạt hành chính, ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng KTNN, cho rằng việc bổ sung chế tài sẽ thể hiện trách nhiệm của KTNN trước pháp luật, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân liên quan khiếu nại, khiếu kiện KTNN theo quy định của pháp luật.

Trong dự luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN đang được xây dựng cần bổ sung quy định xác lập thẩm quyền xử phạt của KTNN vi phạm hành chính như: mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực KTNN.

Ông Đặng Thanh Sơn cho rằng, KTNN rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và đề xuất sửa đổi, bổ sung như đề xuất Quốc hội tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật KTNN. Cụ thể, với Luật Xử lý vi phạm hành chính cần bổ sung một số quy định liên quan như: mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh trong KTNN; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính… Đối với KTNN, cần bổ sung thẩm quyền xử lý các vi phạm của KTNN, Tổng KTNN và các chức danh thuộc KTNN.

Trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN theo hướng: quy định đầy đủ hành vi vi phạm; đối tượng bị xử phạt và các hành vi không bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt…

Quang Minh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/kiem-toan-loi-vi-pham-bo-tay-xu-phat-66205.html