Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Hùng Vương

Tại BCTC kiểm toán của Hùng Vương, kiểm toán có đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2019 gần 528 tỷ đồng cùng với đó là khoản vay quá hạn tại Vietcombank dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

Theo BCTC hợp nhất bán niên niên độ tài chính 2018- 2019 soát xét, CTCP Hùng Vương (mã: ) đạt 2.885 tỷ đồng doanh thu, giảm 43% so với cùng kỳ nhưng tăng 9% so với trước soát xét. Chi phí tài chính kỳ này của công ty đạt 135 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ nhưng tăng 13% so với trước soát xét. Công ty lỗ liên doanh liên kết 43 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ và gấp đến 6 lần so với trước soát xét.

Kết quả, báo lỗ sau thuế 6 tháng đầu niên độ 2018- 2019 là 134 tỷ đồng trong khi trước soát xét vẫn báo lãi đến 28 tỷ đồng. Đáng chú ý, "điệp khúc" đã được Hùng Vương tái đi tái lại nhiều lần trước đó.

Trong báo cáo soát xét này, kiểm toán lưu ý đến khoản lỗ lũy kế của Hùng Vương tại thời điểm 31/3 là 527,8 tỷ đồng và lỗ thuần trong kỳ kế toán 6 tháng là 111,8 tỷ đồng cùng với những vấn đề khác khiến kiểm toán ghi nhận sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Cũng tại BCTC này, tính đến ngày 31/3/2019, Hùng Vương chưa thanh toán các khoản vay đến hạn phải trả tại Vietcombank với số tiền gần 602 tỷ đồng, tại ngày lập BCTC hợp nhất giữa niên độ này, Tập đoàn vẫn đang trong quá trình xin sự phê duyệt của Vietcombank chấp thuận cho việc giãn thời gian thanh toán khoản nợ gốc và lãi vay trong vòng 8 năm tiếp theo.

Cụ thể, tổng nợ phải trả tính đến cuối tháng 3 của Hùng Vương ghi nhận 6.630 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần vốn chủ sở hữu (2.969 tỷ đồng), trong đó nợ ngắn hạn ngân hàng 2.969 tỷ đồng (tương đương vốn chủ sở hữu).

Chủ nợ lớn nhất của Hùng Vương là BIDV với 1.935 tỷ đồng, tiếp đến là Vietcombank với 602 tỷ đồng, HDBank 169,5 tỷ đồng và một số khoản vay ngắn hạn tại các nhà băng khác.

Ngoài khoản vay đến hạn tại Vietcombank, Hùng Vương cũng sắp phải đổi diện với nhiều khoản vay đến hạn trong khoảng 3 tháng tới đây với gần 380 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Hùng Vương ghi nhận 8.827 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn với gần 7.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản phải thu ngắn hạn lên tới 4.753 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.809 tỷ đồng. Đặc biệt, Hùng Vương cũng ghi nhận khoản trích lập dự phòng 679 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Trước áp lực nợ vay lớn đặc biệt là cú sốc POR14, động thái mới nhất mà Hùng Vương thực hiện là lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Hùng Vương Sông Đốc. Tổng lượng thoái vốn là 3,1 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 51% (Hùng Vương Sông Đốc đóng tại tỉnh Cà Mau, hoạt động trong lĩnh vực chế biến bột cá biển).

Mới đây, Hùng Vương cũng đã gửi báo cáo lên UBCKNN về việc thoái vốn hai công ty con là Công ty TNHH Chế biến thủy sản Hùng Vương Bến Tre (tỷ lệ sở hữu 90% với giá trị sổ sách là 180 tỷ đồng) và CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (tỷ lệ sở hữu 79,58%). Tỷ lệ sở hữu sau thoái vốn dự kiến dưới 50%.

Ngoài ra, Kiểm toán cũng lưu ý việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu trong năm tài chính kết thúc ngày 30/9/2016 và việc ban giám đốc đang thực hiện kế hoạch khắc phục việc lợi nhuận chưa phân phối lũy kế bị âm tại ngày của BCTC hợp nhất giữa niên độ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG đã có phản ứng tiêu cực trước tình hình tài chính của công ty khi giảm sàn trong phiên 12/6 về mức 3.250 đồng/cp. Nhiều ý kiến cho rằng, với những gì đang diễn ra nếu không có bất cứ thông tin hỗ trợ nào HVG có khả năng quay tở lại vùng đáy 2.280 đồng/cp hồi tháng 7/2018.

Anh Minh

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/kiem-toan-nghi-ngo-ve-kha-nang-hoat-dong-lien-tuc-cua-hung-vuong-23876.htm