Kiểm toán nhiều vấn đề nóng về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Kiểm toán môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung chủ đạo được Kiểm toán Nhà nước tập trung phát triển, tăng cường cả về chất lượng và số lượng cuộc kiểm toán trong thời gian qua.

Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững

Tham dự Cuộc họp toàn cầu về Sự tham gia của các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong việc đánh giá các hành động quốc gia về khí hậu cùng lãnh đạo của hơn 60 SAI trên thế giới diễn ra cuối tháng 3/2024 tại New York (Mỹ), Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn chia sẻ với các đại biểu về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, kiểm toán môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung chủ đạo được Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tập trung phát triển, tăng cường cả về chất lượng và số lượng cuộc kiểm toán.

Nhiều cuộc kiểm toán có nội dung liên quan công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được chú trọng và triển khai thực hiện trong thời gian qua.

Đó là cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; kiểm toán Chương trình giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015; kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; kiểm toán quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018; kiểm toán việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi ni lông; kiểm toán quản lý và bảo vệ môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, nhà máy nhiệt điện, bệnh viện…

Bên cạnh đó, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng phối hợp Kiểm toán Nhà nước Thái Lan và Kiểm toán Nhà nước Myanmar thực hiện kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông, gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2015-2023, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức thực hiện 12 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường và hơn 30 cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ có lồng ghép các nội dung về môi trường. Thông qua các cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường, biến đổi khí hậu cũng như sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách còn chưa nhất quán, chưa phù hợp với chính sách pháp luật và thực tiễn thực hiện; góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan chức năng, chuyên ngành và tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án của Chính phủ.

Các chủ đề kiểm toán trên đều là các vấn đề nóng về môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường và gia tăng vấn đề biến đổi khí hậu được Quốc hội, Chính phủ và người dân quan tâm.

Các nội dung này được Kiểm toán Nhà nước rà soát, thu thập thông tin, đánh giá một cách kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện.

Đóng góp tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Ban Điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) giai đoạn 2021-2024, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam rất chú trọng đến các hành động quốc gia về khí hậu, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đây cũng là nội dung cam kết trong Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 do Kiểm toán Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2018 với trọng tâm Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Ban Điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) giai đoạn 2021-2024, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam rất chú trọng đến các hành động quốc gia về khí hậu, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để đóng góp cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu, trong giai đoạn 2023-2024, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực tham gia Cuộc kiểm toán hợp tác về hành động thích ứng với biến đổi khí hậu do Cơ quan Sáng kiến phát triển của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (IDI) phối hợp Nhóm công tác về kiểm toán môi trường chủ trì thực hiện với chuyên đề Thực hiện kế hoạch và hành động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành Đề cương kiểm toán của cuộc kiểm toán và gửi cho các chuyên gia IDI cho ý kiến hoàn thiện để triển khai kiểm toán vào tháng 5/2024.

Trong thời gian qua, ngoài thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán các cuộc kiểm toán chuyên đề đối với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm: Quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam và 28 tỉnh; kiểm toán hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; quản lý, sử dụng vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020...

Theo Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, các kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo đảm công tác quản lý Nhà nước thuộc các lĩnh vực trong phạm vi quản lý của Bộ ngày càng tốt hơn, góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền lực, lách luật dẫn đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Qua đó góp phần giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường có cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách về hoạt động khoáng sản; hoàn thiện quy hoạch về tài nguyên nước; thể chế hóa và bổ sung các quy định phù hợp thực tế về môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai.

Ngoài ra, các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tài nguyên và môi trường, thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, tạo tiền đề cho sự phát triển và minh bạch nền tài chính quốc gia.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kiem-toan-nhieu-van-de-nong-ve-moi-truong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-post805189.html