Kiểm toán trong nước, quốc tế đều không phát hiện sai phạm

Theo kết quả điều tra, từ năm 2005 - 2007, DAB được kiểm toán bởi Cty Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP.HCM (AISC); từ 2008 - 2014, được kiểm toán bởi Cty Kiểm toán quốc tế Ernst & Young Việt Nam (1 trong nhóm 4 Cty kiểm toán lớn nhất nước, còn gọi là nhóm Big4).

Tuy nhiên, sai phạm dẫn đến thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng tại DAB lại không bị phát hiện.

Kiểm toán quốc tế cũng không phát hiện sai phạm

Theo cáo trạng, trong thời gian dài, từ năm 2007 đến 2014, bị cáo Bình chỉ đạo cấp dưới lập hàng loạt phiếu thu khống hơn 1.160 tỷ đồng, mua 74 triệu cổ phần DAB đứng tên bị cáo Bình và người thân, chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến và cấp dưới xuất quỹ bán vàng, lập hàng loạt hồ sơ cho vay khống... nhằm có tiền bù âm quỹ, gây thiệt hại cho DAB tổng cộng 2.057 tỷ đồng. Các sai phạm nói trên diễn ra có hệ thống, ở hầu hết các khâu của DAB, nhưng trong công tác kiểm toán, thanh, kiểm tra đều không phát hiện.

Bị cáo Trần Phương Bình: “Công tác kiểm toán chưa được tốt”

“Trước 2014 có khi nào thanh tra, kiểm toán toàn diện quỹ không mà không phát hiện ra việc âm số lượng lớn tiền, vàng?”, chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Bình. “Từ 2008 - 2014, để đối phó với cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, vào thời điểm giữa năm hoặc cuối năm, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ che giấu âm quỹ nên số liệu sổ sách luôn cân bằng với số liệu thực tế”, bị cáo Bình khai.

Cụ thể, Bình chỉ đạo cấp dưới lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền, vàng, hợp đồng ủy thác đầu tư khống, hạch toán mua bán vàng khống, lập chứng từ điều vốn khống từ hội sở về các chi nhánh, phòng giao dịch cơ quan thanh tra không thanh tra, kiểm toán. Sau đó, các chi nhánh, phòng giao dịch điều ngược lại sau khi đã kiểm toán hoặc thanh tra kiểm tra xong.

Chủ tọa hỏi kết quả kiểm toán là toàn bộ ngân hàng DAB hay của riêng hội sở thì được bị cáo Bình trả lời đó là kết quả toàn ngân hàng. Chủ tọa hỏi tiếp, trên thực tế DAB âm quỹ rất lớn, nhưng kết quả kiểm toán luôn luôn khẳng định DAB không có sai lệch giữa thực tế với sổ sách kế toán; bị cáo Bình thấy trách nhiệm của kiểm toán viên cũng như công ty kiểm toán như thế nào? Bị cáo Bình cho biết, nếu mà kiểm toán trên toàn bộ 220 phòng giao dịch và chi nhánh của DAB thì mất nhiều thời gian và chi phí rất lớn. Còn nói về kết quả kiểm toán thì bị cáo Bình cho rằng chưa tốt.

Kết quả điều tra, từ ngày 3/9 - 23/10/2014, Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của DAB. Kết quả phát hiện nhiều sai phạm lớn tại đây, trong đó có việc âm quỹ 2.500 tỷ đồng và hơn 62.000 lượng vàng so với sổ sách. Cơ quan thanh tra đã báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đưa DAB vào diện kiểm soát đặc biệt, đồng thời chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao thì không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với các công ty kiểm toán tại DAB từ 2005 - 2014; cũng không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự trong công tác thanh, kiểm tra tại DAB.

Xuất theo lệnh, không cần nguyên tắc

Theo công bố của VKSND TP.HCM, DAB kiểm tra kho quỹ trên toàn hệ thống và xác định kho quỹ Hội sở DAB thiếu hụt 2.089 tỉ đồng, 62.154,8 lượng vàng; kho quỹ DAB Sở giao dịch thiếu hụt 416,7 tỉ đồng. Đến nay đã xác định được bị cáo Bình cùng một số nhân viên trong DAB và những người liên quan thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DAB tổng số tiền là 3.608 tỉ đồng.

Toàn cảnh phiên tòa ngày 29/11

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB) theo chỉ đạo của bị cáo Bình làm thủ tục thu khống 200 tỉ đồng từ Vũ “nhôm” đồng thời chỉ đạo Vinh xuất quỹ chi 200 tỉ đồng của DAB chuyển vào tài khoản Cty Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” để công ty nộp tiền mua cổ phần DAB. Toàn bộ các thủ tục này của Vinh đều sai quy định, thủ tục. Góp phần dẫn đến sai phạm và thiệt hại nghiêm trọng như trên.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Vinh cho hay, chỉ thừa lệnh xuất quỹ trực tiếp từ bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến và Trần Phương Bình, không cần biết đến các quy định khi xuất tiền ngân hàng. Thậm chí với cả vàng dân gửi, Vinh xuất hơn 23.000 lượng vàng, lúc có phiếu thu, lúc không. Có khi xuất vàng, chỉ ghi vào sổ tay cá nhân để... lưu nhớ. Năm 2010, 2 lần kiểm tra, phòng kế toán kiểm quỹ phát hiện quỹ bị âm, có hỏi thì Vinh nói không biết, cứ lên hỏi Ban Tổng giám đốc. Trước lời khai này, HĐXX đặt vấn đề “Bị cáo xuất tiền, vàng của ngân hàng mà như tiền của nhà riêng...?”. Vinh đáp gọn: “Đúng ạ”.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX về thủ đoạn “chạy” thanh, kiểm tra, bị cáo Vinh khai, bị cáo Xuyến biết rõ kế hoạch thanh kiểm tra ở bất kỳ chi nhánh DAB nào, dù hơn 200 chi nhánh. Vinh nhận lệnh trực tiếp từ bị cáo Xuyến, điều trên sổ sách các khoản âm quỹ cho các chi nhánh, các phòng giao dịch trong hệ thống để che giấu cơ quan thanh tra. Sau khoảng 10 ngày thì các chi nhánh, phòng giao dịch điều chuyển trở lại. Theo cáo trạng, bị cáo Xuyến đã chiếm đoạt 40 tỉ đồng trong việc DAB cho Cao Ngọc Huy vay 270 tỉ đồng; giúp sức cho Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB 486 tỉ đồng mua cổ phần DAB.

Theo cáo trạng, lợi dụng việc DAB cho Cao Ngọc Huy (em vợ Trần Phương Bình) vay khống số tiền 270 tỷ đồng nhằm che giấu việc âm quỹ, Xuyến đã chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ chuyển 20 tỷ đồng cho Đỗ Thị Minh Giang và 20 tỷ đồng cho bà Trần Thị Mai (người thân của Xuyến). Số tiền 40 tỷ đồng này đã bị Xuyến chiếm đoạt. Tuy nhiên, bị cáo Xuyến phủ nhận và khai đã trả cho Bình bằng cổ phiếu. Chủ tọa hỏi có gì làm bằng chứng việc bị cáo đã trả 40 tỷ đồng tiền chiếm đoạt? Thì bà Xuyến ấp úng. Chủ tọa nhận định bị cáo Xuyến khai “loanh quanh” và hỏi: “Bị cáo Bình đã nhận hết rồi nên cứ đổ hết cho bị cáo Bình là xong à?”. Đồng thời, bị cáo Bình cũng phủ nhận lời khai trên của bà Xuyến, khẳng định bị cáo Xuyến chưa trả 40 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2011, do có hiện tượng khách hàng rút tiền ồ ạt, Bình, Xuyến và Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Giám đốc Phòng Nguồn vốn) thống nhất chi lãi suất ngoài lãi suất quy định của NHNN nhằm “giữ chân” khách hang. Do đó, từ tháng 3/2011 - 4/2015, DAB đã chi lãi ngoài trái quy định đến hơn 467 tỷ đồng. Chủ tọa hỏi bị cáo Xuyến: “Khi kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, DAB đã bị âm nguồn quỹ rất lớn, trong đó có nguồn tiền chi lãi ngoài, vậy các bị cáo báo cáo về số tiền này như thế nào? Báo cáo số tiền chi ngoài hơn 467 tỷ vào việc gì?”, bà Xuyến đáp: Số tiền và vàng chi lãi suất ngoài quy định DAB chưa thể hiện trong sổ sách mà vẫn để ngoài sổ sách. Khi có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, số tiền trên chỉ báo là chi lãi suất chứ không có cụ thể.

PHÚC LẬP

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/kiem-toan-trong-nuoc-quoc-te-deu-khong-phat-hien-sai-pham-post231890.html