Kiểm tra doanh thu tại BOT TPHCM - Dầu Giây được thực hiện thế nào?

Tổng cục Đường bộ đã thành lập Đoàn thanh tra để kiểm tra doanh thu tại BOT TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Vậy việc kiểm tra này được thực hiện thế nào để làm rõ vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Theo nguồn tin của PV, Đoàn thanh tra có sự tham gia của các vụ chuyên ngành - Tổng cục đường bộ như Vụ Pháp chế - Thanh tra, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học Công nghê, Vụ Môi trường và Quan hệ quốc tế,... Ngoài ra Tổng cục đường bộ còn mời cả Cục cảnh sát công nghệ cao (Bộ Công an) cùng vào cuộc.

Dư luận cho rằng lượng xe trên tuyến cao tốc này ngày càng tăng thì sẽ kéo theo doanh thu ngày càng cao.

Dư luận cho rằng lượng xe trên tuyến cao tốc này ngày càng tăng thì sẽ kéo theo doanh thu ngày càng cao.

Sáng nay (19/2), đại diện TCĐB và là thành viên trong Đoàn kiểm tra cho biết, từ trước đến nay việc giám sát thu phí tại các BOT được TCĐB thực hiện theo định kỳ hoặc đột xuất.

Theo đó, Tổng cục đường bộ (TCĐB) có thẩm quyền trong việc giám sát và kiểm tra thu phí BOT, cao tốc do Tổng cục quản lý. Phạm vi kiểm tra của Đoàn TCĐB trong đợt kiểm tra đột xuất này là kiểm tra công tác tổ chức, doanh thu và hoạt động của trạm thu phí Dầu Giây (cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây).

"Trước đây thường tổ chức kiểm tra định kỳ là 5 năm/lần. Nay có thông tin nghi ngờ của dư luận về trạm thu phí Dầu Giây nên TCĐB đã thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất nhằm đáp ứng yêu cầu làm rõ doanh thu tại trạm này của người dân." - đại diện TCĐB nói.

Cũng theo vị đại diện TCĐB, việc kiểm tra được thực hiện theo quy trình là kiểm tra ổ cứng, dữ liệu lưu trữ về lượng phương tiện và doanh thu. Bên cạnh đó, TCĐB cũng phối hợp cùng Bộ Công an để kiểm tra về phần mềm thu phí và công nghệ thông tin để đối chiếu doanh thu thực tế và doanh thu báo cáo.

Ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ xác nhận, Tổng cục đường bộ phải phối hợp với Công an mới điều tra được chủ đầu tư trạm thu phí TPHCM - Trung Lương sử dụng công nghệ cao để làm giảm doanh thu nhằm trốn thuế. Vì vậy, nếu chỉ có Tổng cục kiểm tra không thì cũng khó phát hiện toàn diện việc gian lận của các BOT.

Chính vì vậy, trong đợt kiểm tra đột xuất này, để đảm bảo tính khách quan và chính xác TCĐB đã mời Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Bởi vì, phía công an có nhiều nghiệp vụ về công nghệ thông tin sẽ phát hiện ra được những hành vi về công nghệ thông tin nhằm đảm bảo tính hiệu quả của việc kiểm tra.

Hai đối tượng này đã cướp 2,2 tỉ đồng tại một ca trực, làm dư luận nghi ngờ doanh thu thực của BOT TPHCM - Dầu Giây cao hơn nhiều so với báo cáo.

Chiều nay (19/2), đại diện Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Công ty Cổ phần Kỹ thuật Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECE) cho biết hiện VEC và VECE đang phối hợp với Đoàn thanh tra, trên tinh thần sẵn sàng cung cấp bất kỳ những thông tin liên quan đến việc thu phí của trạm thu phí TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cho Đoàn kiểm tra của TCĐB.

Được biết, việc kiểm tra này thực hiện trong 5 ngày, bắt đầu từ ngày 18/2. Sau khi có kết quả kiểm tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ thông báo công khai để người dân được rõ.

Huân Cao (Báo Lao động)

Bạn đang đọc bài viết Kiểm tra doanh thu tại BOT TPHCM - Dầu Giây được thực hiện thế nào? tại chuyên mục Pháp luật của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/kiem-tra-doanh-thu-tai-bot-tphcm-dau-giay-duoc-thuc-hien-the-nao-145199.html