Kiểm tra hệ thống lái trong kiểm định ô tô thế nào?

Tại phụ lục Thông tư 02/2023 đã quy định chi tiết nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và khiếm khuyết, hư hỏng của hệ thống lái.

Theo đó, kiểm tra hệ thống lái bao gồm 7 hạng mục: Vô lăng lái; Trụ lái và trục lái; Cơ cấu lái; Thanh và đòn dẫn động lái; Khớp cầu và khớp chuyển hướng; Ngõng quay lái và Trợ lực lái.

Khi kiểm tra hệ thống lái trong kiểm định xe cơ giới cần kiểm tra tình trạng và sự làm việc của 7 hạng mục, chi tiết.

Đối với vô lăng lái, để kiểm tra tình trạng chung, đăng kiểm viên dùng tay lay lắc vô lăng lái, theo phương hướng kính và dọc trục, quan sát xem vô lăng có được lắp đặt chắc chắn không, có sự dịch chuyển giữa vô lăng lái và trục lái hay không; vô lăng có bị nứt, gãy, biến dạng không.

Cùng đó, kiểm tra độ rơ vô lăng lái bằng cách cho động cơ hoạt động nếu có trợ lực lái, để bánh xe dẫn hướng ở vị trí thẳng, quay vô lăng lái về một phía đến khi bánh xe dẫn hướng bắt đầu có sự dịch chuyển thì xác định điểm thứ nhất trên vô lăng sau đó quay vô lăng lái về phía ngược lại đến khi bánh xe dẫn hướng bắt đầu có sự dịch chuyển thì xác định điểm thứ hai trên vô lăng, đo khoảng cách hai điểm.

Kiểm tra trụ lái và trục lái sẽ được thực hiện qua việc dùng tay lay lắc vô lăng lái theo phương hướng kính và dọc trục, quan sát xem độ chắc chắn của trụ lái; trục lái có bị rơ dọc, rơ ngang; bị nứt, gãy, biến dạng hay không.

Về cơ cấu lái, kiểm tra tình trạng chung bằng cách đỗ xe trên hầm kiểm tra; cho động cơ hoạt động nếu có trợ lực lái, quan sát kết hợp dùng tay lay lắc.

Khi xe đỗ trên hầm kiểm tra, đăng kiểm viên tiếp tục kiểm tra thanh và đòn dẫn động lái, đánh giá về kiểu loại, lắp đặt chắc chắn, có dấu vết ọc sát vào bộ phận khác của xe hay nứt, gãy, biến dạng không.

Đồng thời kiểm tra sự làm việc của thanh và đòn dẫn động lái xem khi di chuyển có bị chạm vào các chi tiết khác, di chuyển liên tục hay bị giật cục hoặc quá giới hạn hay không.

Đối với khớp cầu và khớp chuyển hướng cũng được thực hiện khi xe đỗ trên hầm kiểm tra, cho động cơ hoạt động nếu có trợ lực lái, sử dụng thiết bị hỗ trợ kiểm tra gầm hoặc lắc vô lăng lái với lực lái thay đổi về hai phía và quan sát. Kiểm tra xem khớp cầu và khớp chuyển hướng có bị bót kẹt khi di chuyển, bị rơ, lỏng, giật cục hay không.

Cùng đó, kiểm tra ngõng quay lái bằng cách kích bánh xe dẫn hướng lên khỏi mặt đất, dùng tay lay lắc bánh xe dẫn hướng theo phương thẳng đứng và quan sát; nếu rơ, đạp bàn đạp phanh để khử độ rơ của moay ơ.

Sau đó, quay vô lăng lái hết về hai phía và quan sát xem có bị bó kẹt khi quay hay bị giật cục không.

Cuối cùng là kiểm tra trợ lực lái xe có đúng kiểu loại, lắp đặt chắc chắn; hay bị rạn, nứt, biến dạng, chảy dầu thành giọt, thiếu dầu trợ lực không.

Ngoài ra, cần lắc vô lăng lái về hai phía khi động cơ hoạt động và không hoạt động so sánh lực quay vô lăng lái và quan sát để kiểm tra sự làm việc của vô lăng lái.

Hiểu Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/kiem-tra-he-thong-lai-trong-kiem-dinh-o-to-the-nao-192231202144151636.htm