Kiểm tra tình hình sạt lở và hỗ trợ thiệt hại thiên tai tại thành phố Cần Thơ

Chiều 23/5, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu đến kiểm tra thực tế tình hình sạt lở và chia sẻ khó khăn, động viên những hộ dân bị ảnh hưởng tại phường Thới An, quận Ô Môn.

Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sạt lở ở phường Thới An, quận Ô Môn.

Tại buổi khảo sát, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ nắm lại tình hình diễn biến của vụ sạt lở, công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân giải quyết khó khăn của chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và quận Ô Môn.

Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu chính quyền địa phương, quận Ô Môn tập trung giải quyết khó khăn trước mắt cho bà con bị ảnh hưởng cũng như bà con có nhà cạnh bờ sông, có khả năng ảnh hưởng sạt lở cao; tiếp tục duy trì lực lượng cứu hộ, tập trung di dời tài sản của các hộ đang có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, không để tình trạng thương vong, mất mát lớn có thể xảy ra tại các khu vực đã được cảnh báo; tổ chức sắp xếp, đảm bảo cho người dân có nơi ở tạm an toàn, tài sản di dời được đảm bảo... Chính quyền địa phương, quận Ô Môn lập danh sách, trình UBND thành phố Cần Thơ xem xét, giải quyết nền tái định cư tại địa phương cho các hộ dân không có đất xây dựng nhà mới; tổ chức rà soát toàn bộ khu vực bờ sông Ô Môn để có kế hoạch vận động di dời, tránh sự cố xấu có thể xảy ra...

Sau khi chia sẻ, động viên bà con vượt qua khó khăn, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ hỗ trợ 7 hộ gia đình bị sụp đổ hoàn toàn căn nhà, mỗi hộ 1 triệu đồng. Số tiền trên góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho bà con bị ảnh hưởng thiên tai.

Trước đó, sáng 23/5, Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm trưởng đoàn đến khảo sát, nắm tình hình sạt lở bờ sông tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An. Ông Hoài đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ và quận Ô Môn trong công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ di dời người, tài sản đến nơi an toàn; đồng thời đánh giá khả năng sạt lở tại khu vực trên có thể tiếp túc xảy ra, cần phải di dời người, tài sản ở khu vực bờ sông, lân cận điểm sạt lở...

Tại buổi khảo sát, thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ bố trí vốn cho thành phố đầu tư xây dựng một số công trình kè chống sạt lở tại các điểm nguy hiểm trong giai đoạn 2018-2020. Điển hình như: Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (bờ phải, khu vực Thới Lợi, phường Thới An), dài 1,8 km, với kinh phí thực hiện khoảng 200 tỉ đồng; dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (bờ trái, đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích), dài 1,9 km, với kinh phí thực hiện khoảng 250 tỉ đồng... Ông Trần Quang Hoài ghi nhận các đề xuất và hứa sẽ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, tính đến chiều 23/5, đã có 7 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn, 14 căn sụp đổ một phần, 20 căn phải di dời khẩn cấp... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 30 tỉ đồng. Thành phố đã hỗ trợ các hộ dân khắc phục khó khăn với số tiền gần 600 triệu đồng từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai, vận động nhà hảo tâm và doanh nghiệp đóng góp.

Tin, ảnh: Ngọc Thiện (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/kiem-tra-tinh-hinh-sat-lo-va-ho-tro-thiet-hai-thien-tai-tai-thanh-pho-can-tho-20180523221900341.htm