Kiểm tra việc thực hiện và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có quyết định về việc kiểm tra việc thực hiện in và phát hành sách giáo khoa năm học 2018-2019 tại Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.

Sách giáo khoa do Nhà xuất bản Việt Nam in ấn và phát hành. Ảnh internet.

Theo đó, Bộ GD&ĐT thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ những phản ánh về việc in và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà thời gian qua dư luận rất quan tâm.

Trước thềm năm học mới 2018-2019, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã xảy ra tình trạng khan hiếm, “cháy” sách giáo khoa. Vì thế, để mua được một bộ sách giáo khoa phụ huynh phải tìm mua ở nhiều nhà sách khác nhau.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng sách giáo khoa như hiện nay gây lãng phí lớn do học sinh thường viết đáp án trực tiếp vào sách, dẫn đến tình trạng sách không thể tái sử dụng.

Tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thông tin: “Cử tri rất bức xúc về việc sử dụng sách giáo khoa một lần vì cho rằng lãng phí. Ví dụ năm 2018-2019, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đưa ra thị trường 100 triệu bản sách giáo khoa. Tuy nhiên, 100 triệu bản này sang năm hoàn toàn không được sử dụng mà nếu có thì là bán đồng nát. Tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa. Học sinh tiểu học ít nhất phải mua 6 cuốn, mỗi cuốn có giá từ 45.000 -78.000 đồng; cấp trung học cơ sở từ 7-15 cuốn, mỗi cuốn có giá từ 97.000 – 144.000 đồng. Nhưng những quyển sách đó chỉ sử dụng một lần là do có phần bài tập đi kèm nên học sinh phải điền câu trả lời vào phần bài giảng. Còn sách tái bản cũng không có nội dung gì mới hơn”.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-tra-viec-thuc-hien-va-phat-hanh-sach-giao-khoa-cua-nha-xuat-ban-giao-duc.aspx